Giải quần vợt Wimbledon tạo ra sự khác biệt với các giải Grand Slam như thế nào?

07-10-2024
8 phút đọc
(WOWOW)

Cứ mỗi mùa hè, sự chú ý của người hâm mộ quần vợt cả thế giới lại đổ về tổ hợp quần vợt AELTC ở thủ đô London, Anh để theo dõi Wimbledon, giải Grand Slam duy nhất thi đấu trên mặt sân cỏ. Wimbledon đặc biệt không chỉ bởi những quy định đặc biệt, từ cỏ dài đúng 8mm đến trang phục toàn trắng, mà còn ở khía cạnh tài chính. Đây là một trong những giải thể thao lớn hiếm hoi công khai toàn bộ các số liệu tài chính hàng năm. Ví dụ, trong năm 2022 Wimbledon thu về 440,5 triệu USD kèm theo khoản lợi nhuận 58,7 triệu USD (tỷ lệ ~13%). Doanh thu này cũng có rất nhiều điều thú vị và nó sẽ phần nào giải thích sự khác biệt của Wimbledon với các giải Grand Slam khác.

Theo thông tin từ Forbes, 56% doanh thu của Wimbledon tới từ bản quyền truyền hình, tương ứng khoảng 246 triệu USD. Tiền bán vé và tiền tài trợ đóng góp ngang bằng nhau, khoảng 16% mỗi loại. Còn lại là tiền bán đồ lưu niệm và doanh thu khác, chiếm 12%.

AP Photo

Bản quyền truyền hình

Tương tự như các giải thể thao lớn, tiền bản quyền truyền hình chiếm phần lớn trong doanh thu của Wimbledon, bao gồm cả thị trường nội địa và quốc tế. Đài ESPN ký hợp đồng 12 năm trị giá 500 triệu USD để phát sóng Wimbledon tại Mỹ. Tại "sân nhà", BBC đã phát sóng Wimbledon liên tục kể từ lần đầu giải này được tổ chức vào năm 1927 cho tới nay. Năm 2017, đài này từng bị chỉ trích khi chi hơn 200.000 USD cho huyền thoại quần vợt John McEnroe, gấp 10 lần so với một huyền thoại khác ở nội dung nữ là Martina Navratilova, cho các buổi bình luận bên lề Wimbledon.


Vé là khoản doanh thu lớn thứ 2 của Wimbledon, sau bản quyền truyền hình. Nhưng đây là mảng mà giải đấu này đã bỏ qua nhiều cơ hội gia tăng doanh thu. Năm 2022, có hơn nửa triệu khán giả mua vé vào sân xem Wimbledon, mang về khoảng 70 triệu USD doanh thu. Số khán giả mua vé này thấp hơn nhiều so với Pháp mở rộng 2023 (630.000), Úc mở rộng 2023 (840.000) hay Mỹ mở rộng 2022 (888.000). Lý do đơn giản là sức chứa các sân ở Wimbledon bé hơn, và ban tổ chức không hề có ý định mở rộng sức chứa này. Sân trung tâm ở Wimbledon có sức chứa 15.000 khán giả, trong khi sân Arthur Ashe ở Mỹ mở rộng có thể đón tối đa 23.771 người.

Giá vé vào sân trung tâm tăng dần về cuối của giải khi mà các trận đấu càng trở nên giá trị hơn (bán kết, chung kết), nhưng giá "ground pass" - loại vé rẻ nhất cho phép khán giả vào khu vực các sân tổ chức giải nhưng không được xem các trận ở 1 số sân chính - lại rẻ dần về cuối giải.

Giá vé sân trung tâm

  • Ngày 1-2: $100
  • Ngày 3-4: $127
  • Ngày 5- 6: $165
  • Ngày 7- 8: $197
  • Ngày 9-10: $235
  • Ngày 11-12: $280
  • Ngày 13-14: $324

Giá "Ground Pass" 

  • Ngày 1-8: $35
  • Ngày 9-11: $25
  • Ngày 12-13: $20 
  • Ngày 14: $10

Một chi tiết thú vị nữa là Wimbledon không tăng giá vé hàng năm (điều có thể dễ dàng thực hiện với lý do lạm phát) mà bán gói 5 năm cho phép người mua sở hữu vé xem giải đấu với giá không đổi trong suốt 5 năm đó. Có lẽ chiến lược mà những nhà tổ chức Wimbledon thực hiện là giữ gìn bản sắc và sự hấp dẫn của giải đấu bằng một mức giá vé hợp lý, thay vì tăng giá để tối ưu lợi nhuận.

(Getty Images)

Tài trợ

Nếu hỏi ngẫu nhiên một khán giả xem Wimbledon, tại sân hoặc qua truyền hình, hiếm có người kể tên được một nhà tài trợ của giải đấu. Thú vị hơn, đây chính là điều mà Wimbledon hướng tới. Giải đấu này chỉ hợp tác với 10-15 nhà tài trợ hàng năm. Logo trên sân, ngoại trừ sân trung tâm và sân số 1, chuyển sang màu đen khiến cho nó dễ bị lẫn vào màu xanh của cỏ. Ở 2 sân quan trọng nhất là sân trung tâm và sân số 1, logo xuất hiện màu trắng nhưng rất nhỏ khiến cho chỉ ít người ngồi những hàng ghế đầu mới nhận ra được. Điều này trái ngược hoàn toàn với Mỹ mở rộng, nơi tên các thương hiệu lớn xuất hiện to và rõ ràng quanh sân.

Tuy nhiên quy định này không cản các thương hiệu như Rolex, Slazenger, IBM, Ralph Lauren hay Evian trả hàng triệu USD mỗi năm để trở thành đối tác của Wimbledon. 

Wimbledon muốn được nhớ tới bởi những sân cỏ xanh và "sạch", bao gồm cả trong lẫn ngoài sân. Họ chấp nhận ít tiền tài trợ hơn, ít đối tác hơn, đồng nghĩa với dòng tiền trong ngắn hạn ít hơn để xây dựng thương hiệu sâu sắc hơn với người hâm mộ và cũng là cách "lọc" những đối tác quan trọng có thể gắn kết lâu dài. GIám đốc truyền thông và thương mại của AELTC từng chia sẻ trên Forbes: "Triết lý "sạch" ở sân đấu là trái tim của thương hiệu Wimbledon".


Đồ ăn/đồ lưu niệm

Đồ ăn/đồ lưu niệm mang về doanh thu khoảng 50 triệu USD mỗi năm cho Wimbledon. AELTC bán những món đồ này các online lẫn offline với giá không hề rẻ. Áo khoác, áo phông, quần... có giá dao động từ 50 tới 250 USD mỗi món.Trung bình trong 2 tuần diễn ra giải đấu, Wimbledon bán hơn 450.000 sản phẩm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là mũ và nón Panama, một sản phẩm vốn rất nổi tiếng trong giới thượng lưu và luôn xuất hiện phổ biến ở các khán đài Wimbledon. Những chiếc khăn lau mang thương hiệu "Championship", áo phông, băng đeo đầu, và thậm chí cả những quả bóng tennis đã qua sử dụng cũng được mang ra bán. 

Đồ ăn cũng mang đến sự độc đáo cho Wimbledon. Ban tổ chức phục vụ khoảng 190.000 phần dâu tây trộn kem mỗi năm, với giá chỉ khoảng 3 USD mỗi phần.

Xem thêm: Lịch thi đấu Wimbledon 2024: Cập nhật kết quả giải tennis Wimbledon mới nhất