Mặt tối của quần vợt đỉnh cao: Đi làm thêm, ở nhờ, không có bảo hiểm

05-29-2024
15 phút đọc
Getty Images

Khi nhắc đến quần vợt đỉnh cao người hâm mộ thường lập tức nghĩ ngay tới những siêu sao như Novak Djokovic, Rafael Nadal và Roger Federer, với khoản thu nhập hàng trăm triệu USD cả trong và ngoài sân cỏ. Trong năm 2022, có  97 tay vợt – 58 nam và 39 nữ – đã kiếm được ít nhất 1 triệu USD mỗi người từ sân banh nỉ.

Mỗi giải đấu quần vợt thường có mức tiền thưởng nhất định, phân loại theo từng vòng. Ví dụ như tại Úc mở rộng năm nay, người thua ở vòng đầu tiên nhận khoảng hơn 70.000 USD, trong đó nhà vô địch nội dung đơn (nam hoặc nữ) mang về hơn 2 triệu USD tiền thưởng. 

Vì khoản tiền thưởng hấp dẫn này, các tay vợt vẫn cố gắng thi đấu ngay cả khi bị chấn thương. Tại Pháp mở rộng 2022, Facundo Bagnis xuất hiện trong trận đấu mở màn với bắp chân phải bị bó cứng. Anh ta phải vật lộn để di chuyển quanh sân nhưng kiếm được 65.000 đô la dù thua rất chênh lệch trước Daniil Medvedev.

Tiền lương và điểm xếp hạng giảm xuống ở các giải đấu cấp thấp hơn. Giải BNP Paribas Open 1000 cấp ở Indian Wells, California, kém Grand Slam một bậc, đưa ra mức thưởng 426.010 USD cho người chiến thắng vào năm 2022. Người thua ở vòng đầu tiên ra về với 17.580 USD. 

Giải hạng hai dành cho nam là ATP Challenger Tour; còn đối với nữ là WTA 125. Ngoài ra còn có ITF Tour dành cho cả nam và nữ. Vào năm 2022, mức thù lao cho nữ ở ITF dao động từ 50 USD (vòng loại đầu tiên ở hạng W25) đến 15.239 USD cho người chiến thắng tại giải đấu W100, sự kiện cấp cao nhất hệ thống này. Brenda Fruhvirtova, người đã giành chiến thắng trong 8 sự kiện ITF cao nhất vào năm 2022, đã kiếm được tổng cộng 43.071 USD tiền thưởng.

Số tiền thưởng ở nội dung đôi ít hơn đáng so với đơn và nhiều tay vợt cố thi đấu ở cả nội dung đơn và đôi để tối đa hóa khả năng kiếm tiền. Một số tay vợt, nhất là những người mới tham gia, có thể tìm được một nhà hảo tâm hỗ trợ một số tiền nhất định để bù đắp chi phí. 

Không phải ai cũng có tài trợ. Ở cấp độ thấp, một số tay vợt chỉ được nhận đồ miễn phí để dùng chứ không được tiền. Vicky Duval, người kết thúc mùa giải 2022 ở vị trí thứ 413, đã có những hợp đồng như vậy với 2 thương hiệu Head và Oakley kể từ những ngày còn đi học. Trước đây cô từng có quan hệ đối tác không chính thức với Asics và vẫn quảng bá cho giày thể thao của hãng này, nhưng mối quan hệ đó đã kết thúc khi thương hiệu này cho biết họ không còn đủ ngân sách. May thay, Duval quen một tay vợt nữ khác có hợp đồng quảng cáo với Asics và lại cùng cỡ giày với cô. Người bạn này thường đưa giày và đồ tập cho Duval, nhưng muốn giấu kín chuyện này để tránh gặp vấn đề với Asics. 

Đa số phải tìm các công việc tay trái để duy trì cuộc sống.

Kiranpai Pannu là một ví dụ. Anh sinh năm 1997 tại New Zealand và từng đạt đến thứ hạng 559 thế giới. Mỗi khi anh nói với ai đó về công việc của mình, anh thường nhận được vô số câu hỏi về lối sống có vẻ hào nhoáng của 1 tay vợt chuyên nghiệp. Thực tế thì trái ngược hoàn toàn. Năm 2022, Pannu kiếm được 6.771 USD tiền thưởng. Nhưng chi phí của anh ấy bỏ ra, chủ yếu là cho di chuyển, lên tới 34.500 USD. Anh vừa phải tìm cách kiếm thêm tiền, từ công việc làm HLV, vừa phải tìm cách tiết giảm chi phí khi thi đấu, ví dụ như ở chung với các tay vợt khác hay không mua bảo hiểm y tế. Pannu đã chọn bỏ qua một số giải đấu để kiếm tiền từ huấn luyện. Trong những tuần đó, anh cố làm việc “nhiều giờ nhất có thể” với hy vọng kiếm được khoảng 800 USD. 

Pannu nói: “Thật khó để thực sự coi mình là một VĐV chuyên nghiệp khi tôi thậm chí còn không thể tự nuôi sống bản thân ở tuổi 25. Tôi vẫn còn may mắn vì bố mẹ tôi vẫn còn giúp được tôi. Không nhiều nhưng đủ để tôi tiếp tục cố gắng”.

HLV, tập luyện và di chuyển, tất cả đều đắt đỏ. Cộng với lợi ích tài chính quá nhỏ ở các giải đấu nhỏ và thiếu vắng nhà tài trợ, thi đấu quần vợt chuyên nghiệp trở thành gánh nặng về tài chính. Khoảng cách trình độ cũng vì thế càng ngày càng rộng. Trong khi những ngôi sao luôn có đội ngũ đông đảo tháp tùng, thì những người ở thứ hạng thấp hơn đôi khi thậm chí không đưa HLV đi cùng họ đến các giải đấu. Việc giành chiến thắng trở nên khó khăn hơn, tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa những người đứng đầu và những người còn lại.

Vasek Pospisil, nhà vô địch đôi nam Wimbledon 2014, cho biết: “Cơn đau đầu phổ biến nhất với bất kỳ ai được xếp hạng ngoài top 100 là tiền”. 

GIẢI THƯỞNG CỰC LỚN khi dự đoán kết quả trận đấu tại ĐÂY

Scroll to Continue with Content

Các tay vợt phải tự thanh toán chi phí di chuyển đến và đi từ các giải đấu, bao gồm cả đội ngũ hỗ trợ như huấn luyện viên và bác sĩ. Các giải đấu lớn của ATP, WTA và Challenger hỗ trợ chỗ ở cho các tay vợt, trong khi ở các giải cấp độ thấp hơn, ví dụ như ITF, người tham gia phải tự trả chi phí chỗ ở.

Pospisil kết thúc mùa giải 2022 với vị trí thứ 98 thế giới và giành quyền dự giải Úc mở rộng – điều có thể tạo nên sự khác biệt tài chính cho cả mùa giải của anh ấy. Nhưng Pospisil ước tính chi phí đi lại cho bản thân, huấn luyện viên và bác sĩ của anh ấy sẽ vào khoảng 30.000 USD cho cả năm. Anh muốn đưa huấn luyện viên thể lực của mình đến Australia nhưng cuối cùng đổi ý vì cho rằng nó không đáng với khoản chi phí bỏ ra. Anh đã phải đặt vé hạng phổ thông một chiều cho các chuyến bay, vì anh không chắc mình sẽ đi sâu tới đâu ở giải đấu này, và bộ ba (Pospisil, HLV và bác sĩ) ở chung trong 1 căn hộ Airbnb vì nó rẻ hơn ở 3 phòng đơn trong khách sạn.

Pospisil ước chừng khả năng đi sâu vào giải của mình và thuê căn hộ này trong 6 ngày. Nếu anh tiến sâu vào giải và tiếp tục thi đấu, anh sẽ phải tìm một nơi ở khác cho cả nhóm. Dĩ nhiên, cho dù thế nào Pospisil vẫn sẽ kiếm lời ít nhiều từ giải đấu này. Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. 

Jamie Loeb, người kết thúc năm 2022 ở vị trí thứ 265, không chắc liệu thứ hạng của cô ấy có đủ tốt để cô ấy có thể lọt vào danh sách 128 tay vợt thi đấu ở Melbourne hay không. Điều này chỉ được xác định rõ vài ngày trước khi giải bắt đầu, khiến cho chi phí di chuyển đắt đỏ hơn.

“Thật khó để lập kế hoạch dựa trên số tiền thưởng, địa điểm, chỉ số điểm, như kiểu, 'Ồ, nếu tôi đến đây, tôi có thể nhận được X số điểm.' Có quá nhiều thông tin chưa rõ ràng và thật mệt mỏi", Loeb chia sẻ.

Sau cùng, Loeb, đã bị loại khỏi vòng loại và thay vào đó, cô bắt đầu mùa giải 2023 tại một giải ITF ở Malibu, California. Cô đã giành chức vô địch và kiếm được khoản tiền lương 3.935 USD - ít hơn 14.000 USD nếu cô dự Australia Open và thua ngay ở vòng loại đầu tiên, nhưng bù lại được 50 điểm xếp hạng. Tại Úc mở rộng, một tay vợt thắng cả 3 trận vòng loại cũng chỉ giành được 40 điểm.

Loeb chủ yếu chơi các giải TF vào năm 2022 và trước mỗi giải đấu cô đều đặt ra một bộ câu hỏi tương tự: Nó tổ chức ở đâu và chi phí di chuyển + ở lại đó là bao nhiêu? Thứ hạng của cô có đủ tốt để được vào thẳng hay cần phải vượt qua vòng loại? Tiền thưởng là bao nhiêu? Có thể kiếm được bao nhiêu điểm?

Để tiết kiệm tiền, đặc biệt là tại các giải đấu không cung cấp chỗ ở, Loeb đã ở cùng các vận động viên khác tại các “host” của địa điểm thi đấu. Điều này đôi khi dẫn đến những khoảnh khắc khó xử khi họ phải đối đầu nhau trên sân. Loeb cũng không có căn hộ riêng mà phải sống cùng bố mẹ mỗi khi không thi đấu xa nhà.

Loeb đã giành được 10 danh hiệu ITF Tour trong sự nghiệp của mình, trong đó hầu hết, bao gồm cả sự kiện ở Malibu, đều ở mức thưởng 25.000 USD. Nhưng theo cô số tiền này dễ gây hiểu lầm. Loeb nói: “Mọi người nghĩ rằng nếu bạn thắng một giải đấu trị giá 25.000 USD thì bạn mang về toàn bộ số tiền đó còn tôi thì kiểu “Đùa à?”. Số tiền thưởng được chia cho tất cả mọi người, rồi lại còn thuế, chi phí bỏ ra ban đầu. Vậy nên đa số các giải đấu bạn sẽ lỗ ngay cả khi bạn vô địch. Trừ phi bạn ở nhờ nhà ai đó và đi thi đấu mà không có HLV”.

Loeb thường xuyên đi thi đấu một mình, có nghĩa là cô phải làm tất cả mọi thứ, từ thi đấu trên sân tới các công việc hậu cần bao gồm đặt sân tập, đặt phương tiện di chuyển, tìm nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng. Tại các giải đấu cấp thấp, những thứ tưởng chừng đơn giản như bóng tập và nước cũng không được cung cấp và vận động viên cũng phải đảm bảo những thứ đó.

Về bảo hiểm, cả WTA và ATP cung cấp hai cấp độ thành viên cho các tay vợt dựa trên thứ hạng. Theo một số tay vợt, mặc dù phí thành viên hàng năm thấp hơn đối với những tay vợt hạng hai, nhưng số tiền phải đóng tăng lên đáng kể những năm gần đây. Kết quả là, nhiều tay vợt như Duval và Loeb tìm kiếm các dịch vụ bên ngoài. Nhiều tay vợt Mỹ vẫn mua chung gói bảo hiểm với bố mẹ mình cho đến năm 26 tuổi. Pannu, đánh cho tuyển New Zealand nhưng sống ở Atlanta, từng trả khoảng 400 USD/tháng cho gói bảo hiểm nhưng giờ quyết định bỏ hẳn để tiết kiệm. Anh từng thú thật là không dám gọi cấp cứu nếu dính chấn thương nghiêm trọng khi thi đấu. Tay vợt Mỹ Tornado Alicia Black từng gây chú ý năm 2017 khi kêu gọi cộng đồng quyên góp cho ca phẫu thuật hông của mình vì nó không được bảo hiểm chi trả.

XEM THÊM: Các thuật ngữ cần biết trong tennis: Giải thích luật, cách tính điểm quần vợt