Mối thù địch giữa Manchester United và Liverpool đã kéo dài từ rất lâu và gay gắt đến mức các cổ động viên của họ hiếm khi tạm dừng sự ganh ghét lại để tự hỏi: Tại sao nó lại tồn tại?
Họ không phải hàng xóm. Những năm tháng vinh quang của họ cũng chưa bao giờ thực sự trùng khớp với nhau. Vậy chuyện gì đã xảy ra? Thực chất, mọi thứ khởi đầu với phạm vi rộng hơn cả bóng đá.
Mối thù địch giữa MU và Liverpool khởi đầu như thế nào?
Manchester và Liverpool là những trung tâm công nghiệp lớn ở phía bắc nước Anh trong và sau cuộc cách mạng công nghiệp. Hai thành phố này còn liên tục thay nhau vươn lên để trở thành thành phố lớn thứ hai xứ sương mù (sau London) trong nhiều thập kỷ.
Vì vậy, một sự cạnh tranh gay gắt đã tồn tại giữa người dân 2 vùng, khi các thành phố này tạo ra cuộc chiến về kinh tế, công nghiệp và tài chính với nhau.
Việc xây dựng kênh đào tàu thủy Manchester, được tài trợ bởi các thương nhân Manchester, đã bị các chính trị gia Liverpool phản đối kịch liệt và gây ra sự phẫn nộ gia tăng giữa 2 thành phố - đặc biệt là trong tầng lớp lao động.
Sự cạnh tranh gay gắt trong bóng đá
Sau đó, vào năm 1894, bóng đá bắt đầu tham gia vào cuộc chơi. Chỉ vài tháng sau khi kênh đào hoàn thành, Liverpool FC đối đầu với Manchester United (khi đó được gọi là Newton Heath) lần đầu tiên. Liverpool (giải Hạng Hai) đã thắng trận Playoff lên/xuống hạng với tỷ số 2-0 trước Newton Heath (giải Hạng Nhất). Điều này đồng nghĩa rằng The Kop thăng lên giải Hạng Nhất và đẩy đối thủ xuống hạng. Những mầm mống thù địch đã được gieo.
Man United và Liverpool đều khẳng định vị thế là đội bóng hàng đầu tại các thành phố đối địch của mình. Tuy nhiên, họ hiếm khi cùng hướng đến những mục tiêu chung (khi một đội mạnh lên, đội kia không ở thời kỳ đỉnh cao). Sự cạnh tranh giữa 2 đội chỉ thật sự được đẩy lên cao trào từ khi bóng đá quay trở lại sau Thế chiến II.
Cựu đội trưởng Liverpool - Matt Busby tiếp quản chức huấn luyện viên của Manchester United vào năm 1945 và giúp Quỷ đỏ lần đầu tiên trở thành một đội bóng thực sự mạnh mẽ. Nhưng đến năm 1958, thảm họa xảy ra. 23 người - bao gồm 8 cầu thủ United đã thiệt mạng trong thảm họa hàng không Munich khét tiếng, làm tàn phá đội hình của Busby.
Chiến lược gia người Scotland đã xây dựng lại đội bóng của mình với Bobby Charlton, Denis Law và George Best làm nòng cốt. Mặc dù vậy, những thập kỷ tiếp theo thuộc về Liverpool, câu lạc bộ đã vô địch giải đấu 10 lần từ năm 1972 đến 1988.
Trong suốt giai đoạn này, nạn hooligan diễn ra tràn lan. Các nhóm Urchins và Runcorn Riot Squad của Liverpool thường xuyên có những cuộc đụng độ bạo lực với đội Red Army của Manchester United.
Sự xuất hiện của Sir Alex Ferguson, người đã đưa United trở lại thành thế lực của bóng đá Anh và châu Âu, đã thổi bùng ngọn lửa thù hận một lần nữa. Khát vọng của Alex Ferguson là rất rõ ràng: "Đá Liverpool khỏi cái vị trí chết tiệt của chúng". Điều này thực sự đã nuôi dưỡng sự căm ghét Quỷ Đỏ chưa từng thấy trước đây ở vùng Merseyside.
Khoảng thập kỷ qua lại chứng kiến một sự thay đổi vị trí khác, khi Liverpool thay thế Man United trong cuộc đua vô địch sau thời điểm Ferguson ra đi vào năm 2013. Mặc dù sự trỗi dậy của Big 4 (Man United, Liverpool, Chelsea, Arsenal) hay sau này là Big 6 (có thêm Man City, Tottenham) tạo nên nhiều cặp đấu căng thẳng không kém ở Ngoại hạng Anh, mỗi trận derby vùng Tây Bắc giữa Manchester United và Liverpool dường như vẫn có một sức hấp dẫn đặc biệt.
Hai câu lạc bộ đã tận hưởng đỉnh cao danh vọng không ai sánh kịp trong nước và là những đội bóng Anh thành công nhất trên sân khấu châu Âu. Do đó, mỗi màn chạm trán nhau ngày nay đều giúp khán giả cảm thấy như một cuộc chiến để khẳng định sự vượt trội trong số liệu thống kê, đạo đức và sức chiến đấu.
Đây là lý do vì sao khi đem so sánh với trận derby Tây Bắc, mối thù hận Man United vs Man City hay Liverpool vs Everton vẫn không thể sánh bằng. Các cuộc chiến giữa Quỷ Đỏ và The Kop mang theo sức nặng của hơn hai thế kỷ đầy biến động, thù hận và cạnh tranh khốc liệt. Đó là mối thù địch thứ thiệt.
XEM THÊM: Vì sao MU và Liverpool không thể gặp nhau ở vòng 3 Carabao Cup?