Vì sao Đan Mạch giỏi ở môn cầu lông?

05-04-2024
7 phút đọc

Nếu là người theo dõi thể thao, chắc hẳn bạn sẽ biết các nước châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia là những cường quốc hàng đầu thế giới ở môn cầu lông.

Không giống như nhiều môn thể thao đỉnh cao khác, ở cầu lông các quốc gia phương Tây thường lép vế trước các đại diện châu Á. Ngoại trừ trường hợp của Đan Mạch. Tay vợt nam số 1 thế giới hiện tại là Viktor Axelsen tới từ Đan Mạch. Đội tuyển Đan Mạch đã 1 lần vô địch Thomas Cup và 8 lần về nhì.

Vậy vì sao một quốc gia Bắc Âu với dân số còn ít hơn 1 thành phố tầm trung của Trung Quốc lại có thể thành công ở cầu lông đến như vậy?

Vì sao cầu lông phổ biến ở Đan Mạch và vì sao họ giỏi môn cầu lông? 

Có nhiều lý do, đầu tiên là về thời tiết. Đan Mạch có mùa đông lạnh và lượng mưa nhiều trong cả năm. Họ cũng không có địa hình đồi núi nhiều như các người hàng xóm Na Uy và Thụy Điển để quan tâm nhiều tới môn trượt tuyết. Điều này dẫn đến dân Đan Mạch chuộng những môn thể thao trong nhà, có thể chơi được quanh năm mà không chịu sự ảnh hưởng của thời tiết. Hầu như ở bất cứ địa phương nào, khu vực dân cư nào cũng có những nhà thi đấu trong nhà để người dân tập luyện thể thao, cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp.

Vào thời điểm những năm 20, 30 của thế kỷ trước, những nhà thi đấu này có diện tích khá nhỏ, không đủ để chơi quần vợt mà chỉ đủ cho sân cầu lông. Cầu lông khá dễ chơi, và cũng có chi phí thấp. Điều này dẫn đến sự bùng nổ của môn thể thao này ở Đan Mạch. Một môn thể thao khác cũng rất phổ biến ở Đan Mạch và đội tuyển Đan Mạch cũng giữ vị trí hàng đầu thế giới là bóng ném và đây cũng là môn thể thao trong nhà.

Lý do khác đến từ sự thành công của những vận động viên cầu lông Đan Mạch trên đấu trường thế giới. Trong giai đoạn nửa cuối của thế kỷ 20, nhất là trước khi Trung Quốc xuất hiện vô cùng mạnh mẽ trên bản đồ cầu lông thế giới, Đan Mạch đã giành nhiều thành công vang dội với những tay vợt đến giờ vẫn được coi là huyền thoại như Morten Frost (12 năm nằm trong top 3 thế giới và hàng chục danh hiệu lớn nhỏ), Peter Gade (22 danh hiệu Grand Prix) hay Erland Kops (7 lần vô địch đơn nam giải cầu lông Toàn Anh mở rộng).

Scroll to Continue with Content

Khi một hoặc nhiều vận động viên gặt hái thành công lớn ở quốc tế, họ trở thành những anh hùng dân tộc và truyền cảm hứng cho các thế hệ kế tiếp. Càng thành công, càng nhiều người chơi và càng được đầu tư mạnh mẽ. Điều này làm tiền đề để tạo ra thành công kế tiếp thành công.

Một lý do khác cũng không thể không nhắc đến là sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp của Đan Mạch ở môn cầu lông. Dân số của quốc gia này là hơn 6 triệu người, nhưng có tới hơn 500 câu lạc bộ cầu lông hoạt động hết công suất ở gần như mọi ngóc ngách của Đan Mạch. Cầu lông đích thực là môn thể thao đại chúng và trở thành một phần của văn hóa đất nước.

Các chương trình đào tạo cầu lông được thiết kế cho mọi đối tượng từ …3 tới 18 tuổi. Những vận động viên xuất sắc nhất sẽ được tập hợp lại ở 2 trung tâm cầu lông quốc gia để tập luyện và thi đấu đỉnh cao. Sự đầu tư chuyên nghiệp bài bản này giúp bù đắp lại thua thiệt về dân số của Đan Mạch so với các cường quốc cầu lông khác như Trung Quốc hay Indonesia, giúp họ liên tục sản sinh ra các thế hệ vận động viên đỉnh cao.

Tuy nhiên, mọi thứ không phải chỉ có màu hồng. Số thành viên của Liên đoàn cầu lông Đan Mạch đã giảm gần một nửa trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây. Giới trẻ Đan Mạch có nhiều lựa chọn hơn trong giải trí và cả thi đấu chuyên nghiệp thay vì cầu lông.

Các vận động viên Đan Mạch vẫn góp mặt trong nhóm đầu của cả nam và nữ, nhưng sự cạnh tranh xuất hiện ngày càng lớn từ các nền cầu lông như Thái Lan, Đài Loan hay Hàn Quốc. Điều này đặt ra một bài toán khó cho những người lãnh đạo cầu lông Đan Mạch trong việc duy trì thành tích của mình trên đấu trường quốc tế, hay cao hơn là phát triển bộ môn đã trở thành nét văn hóa quốc gia.

XEM THÊM: Tay vợt cầu lông nam số 1 thế giới là ai? Bảng xếp hạng cầu lông thế giới mới nhất