Vì sao Hàn Quốc luôn thống trị bộ môn bắn cung ở Olympic?

07-27-2024
13 phút đọc
getty images

Kể từ Olympic 1984, khi bắn cung lần đầu tiên được đưa vào chương trình, tới Olympic 2020, Hàn Quốc đã giành 27/45 tổng số huy chương vàng ở bộ bôn này.

Tính riêng ở 2 kỳ Olympic gần nhất, Rio 2016 và Tokyo 2020, Hàn Quốc giành 8/9 bộ huy chương vàng bắn cung. Còn tính riêng ở nội dung đồng đội nữ, kể từ khi lần đầu được thi đấu vào năm 1988, Hàn Quốc có 9 lần giành huy chương vàng liên tiếp.

Tại Hàn Quốc, người ta nói nửa đùa nửa thật rằng lọt vào đội tuyển quốc gia bắn cung còn khó hơn giành huy chương vàng Olympic. Lý do cho sự thành công của xứ sở kim chi là gì?

Những giả thuyết về thành công của bắn cung Hàn Quốc

Một trong những lý do được lan truyền là "bàn tay kim chi". Giả thuyết này cho rằng phụ nữ Hàn Quốc giỏi ở các môn thể thao như bắn cung hay golf là vì bàn tay của họ có độ nhạy cao và khéo léo. Sự nhạy cảm này được phát triển từ nhiều thế hệ thông qua động tác làm món kim chi truyền thống của đất nước này, trong đó phụ nữ dùng tay bóp, xoáy và phết tương ớt lên lá bắp cải trong nhiều giờ liền. Chính một huấn luyện viên của đội bắn cung Hàn Quốc, Baek Woon-gi, cũng ủng hộ giả thuyết này. "Phụ nữ Hàn Quốc có bàn tay nhạy cảm hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Họ làm việc rất tốt bằng đôi tay của mình. Khi phụ nữ Hàn Quốc nấu ăn, có vẻ như bàn tay của họ đã tạo thêm hương vị cho món ăn".

Một giả thuyết khác liên quan đến ...đũa. Rất nhiều nước châu Á sử dụng đũa để gắp thức ăn, nhưng đũa ở Hàn Quốc làm bằng thép, trơn hơn, mảnh hơn, và khó sử dụng hơn đũa gỗ. Sử dụng thành thục hàng ngày đôi đũa đặc biệt đó khiến phụ nữ Hàn kiểm soát cây cung hay gậy golf tốt hơn.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách nghiêm túc, sự thành cung của bắn cung Hàn Quốc đến từ thể thao trường học, quá trình tuyển chọn chuyên nghiệp và sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các giải đấu lớn.

Bắn cung từ tiểu học

Kim Je-Deok giành 2 huy chương vàng bắn cung ở Olympic Tokyo khi mới 17 tuổi. Tuy nhiên, anh đã có 8 năm gắn bó với bộ môn này. "Tôi bắt đầu tập bắn cung từ hồi lớp 3. Sau mỗi giờ học chính buổi sáng sẽ là giờ học thêm bắn cung buổi chiều. Nếu có giải đấu sắp tới, tôi tập thêm vào cuối tuần", Je Deok chia sẻ. Trên khắp đất nước Hàn Quốc, có khoảng 900 cung thủ tập luyện ở các trường ...tiểu học, trong khoảng 100 câu lạc bộ. Đây là chiến lược đã được sử dụng ở nhiều môn thể thao tại Hàn Quốc như bóng đá, bóng rổ hay bóng chày, nhưng chỉ có bắn cung là trụ vững nhất.

"Khi còn học tiểu học tôi tập bắn khoảng 300-500 mũi tên mỗi ngày. Bây giờ tôi chỉ bắn khoảng 300-400 và tập trung vào chất lượng hơn là số lượng".

Theo Hiệp hội bắn cung Hàn Quốc, đa số các cung thủ đỉnh cao của đất nước này bắt đầu tập luyện ở độ tuổi 9-10 ở những câu lạc bộ ngoài giờ học chính khóa. Họ tập 3-4 giờ mỗi ngày từ thứ Hai tới thứ Sáu, kể từ khi kết thúc giờ học cho tới khi kết thúc ngày làm việc.

Câu lạc bộ bắn cung, về cơ bản, là một hoạt động để "trông trẻ". Điều này hơi khác với châu Âu, khi cũng tồn tại các câu lạc bộ thể thao ngoài giờ nhưng học sinh thử nhiều môn thể thao khác nhau thay vì tập trung vào 1 môn duy nhất. Việc tập đi tập lại 1 môn trong thời gian dài tạo ra sự khác biệt đáng kể về thành tích.

Nếu Je Deok bắn 375 mũi tên mỗi ngày, 5,5 ngày mỗi tuần, trong 9 năm liên tiếp, thì đến khi giành huy chương vàng Olympic anh đã bắn tổng cộng 1 triệu mũi tên. Dù tài giỏi bẩm sinh tới đâu, kết quả không đến lập tức giống như một phép màu mà phải qua số lượng những mũi tên, số lượng thời gian, số lượng mồ hôi bỏ ra trong thời gian dài. Câu chuyện tương tự với Park Sung-hyun, nhà vô địch Olympic Athens 2004 và được coi là 1 trong những cung thủ nữ vĩ đại nhất lịch sử Hàn Quốc. "Tôi tập bắn cung từ năm lớp 4. Thầy giáo ở trường tiểu học khuyến khích tôi thử một câu lạc bộ thể thao và mọi thứ bắt đầu từ đó", cô chia sẻ.

Scroll to Continue with Content

Các CLB này do trường vận hành và người tham gia không mất chi phí. Trang thiết bị được cung cấp cho các cung thủ. Nhưng không chỉ có thể thao được quan tâm. Không khó bắt gặp cảnh các cung thủ nghỉ giữa giờ tập để làm bài tập về nhà. "Trong tập luyện, chúng tôi tập trung dạy dỗ học sinh và giúp họ nên người", thầy giáo Du Gayeong nói.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh là thay vì khơi dậy sự cạnh tranh từ lứa tuổi nhỏ như ở Trung Quốc, trẻ con Hàn Quốc đến với bắn cung trước hết để giải trí. Cung cho trẻ em nhẹ hơn và nhỏ hơn, mục tiêu cũng được để gần hơn. Trọng tâm quá trình tập luyện ở giai đoạn này là duy trì tư thế và dáng bắn chuẩn chứ không phải bắn trúng mục tiêu hay giành chiến thắng ở các giải đấu. Có thể mất tới 5 năm chỉ để nắm được những kỹ thuật cơ bản trước khi tập bắn cung chuyên nghiệp.

Chỉ 60% trong số 900 cung thủ bậc tiểu học tiếp tục tham gia câu lạc bộ bắn cung ở cấp trung học cơ sở. Rồi đến bậc trung học phổ thông con số lại giảm đi một nửa và ở cấp độ đại học chỉ còn khoảng 150 người. CLB bắn cung các trường đại học thường thi đấu với các đội chuyên nghiệp, vốn thường thuộc về một tập đoàn hay một địa phương nhất định. Có tổng cộng 60 câu lạc bộ bắn cung của người lớn trên khắp Hàn Quốc. Số lượng cung thủ ít nên hệ thống bắn cung Hàn Quốc được xây trên chất lượng là chính.

Chất lượng huấn luyện viên và quá trình tuyển chọn chuyên nghiệp

Những huyền thoại bắn cung sau khi giải nghệ lại tiếp tục trở thành huấn luyện viên để đào tạo lớp tài năng kế cận. Atanu Tas, một trong những cung thủ hay nhất Ấn Độ, đã từng có thời gian tập huấn ở Hàn Quốc tại trung tâm của Coach Kim - Kim Hyung-tak, một trong những huyền thoại của bắn cung Hàn Quốc. Tại đây, anh được học cách tự nghiên cứu dáng bắn và cả ứng dụng video trong quá trình tập luyện. Atanu thừa nhận số lượng HLV chất lượng cao ở Hàn có thể gấp 10 lần ở Ấn Độ. Tại Olympic Rio 2016, có tới 10 đội tuyển quốc gia được dẫn dắt bởi các huấn luyện viên người Hàn.

Mỗi năm, 8 nam và 8 nữ được chọn vào đội tuyển quốc gia Hàn Quốc, rồi sau đó chỉ một nửa số họ được thi đấu ở các giải đấu lớn. Họ được tuyển chọn qua một qua trình cực kỳ gắt gao mà chỉ có những vận động viên tài năng nhất mới có thể vươn tới đỉnh cao.

Sự minh bạch và chuyên nghiệp của quá trình tuyển chọn VĐV cũng là điểm đáng chú ý. Khi Olympic Tokyo bị hoãn từ 2020 sang 2021 vì dịch bệnh, Liên đoàn bắn cung Hàn Quốc (KAA) đã thực hiện toàn bộ quá trình tuyển chọn lại từ đầu, thay vì giữ nguyên những người đã được chốt suất đi "Tokyo 2020".

Sự chuẩn bị cho các giải đấu lớn

Kang Chae-young, nhà vô địch Olympic Tokyo nói: "Ở kỳ tuyển chọn Olympic, chúng tôi thi đấu với các đối thủ có trình độ rất gần nhau. Và bởi có rất nhiều vòng tuyển chọn nên chúng tôi không còn cảm thấy hồi hộp lo lắng khi vào giải chính thức nữa".

KAA xây dựng một phiên bản tương tự như trường bắn Olympic ở trung tập huấn luyện quốc gia Jincheon, cách Seoul 90km. Nhưng khi nhận ra Tokyo có gió mạnh hơn bình thường, KAA thiết lập một cơ sở tập luyện ở phía Tây Nam để giúp các vận động viên làm quen. "Họ tạo dựng môi trường tương tự như ở Olympic, giúp chúng tôi khi tập luyện có cảm giác như là đang thi đấu ở Olympic vậy. Ở đây đèn không bao giờ tắt", Kang nói.

Chiến lược này từng được áp dụng ở Olympic Rio khi Hàn Quốc xây dựng một bản mô phỏng của nhà thi đấu Sambadromo tại Rio cho các vận động viên tập luyện. Các cung thủ cũng được rèn thi đấu dưới các điều kiện thời tiết khác nhau, từ nắng gắt tới mưa. Thậm chí, họ còn được cho tập dưới tiếng ồn mô phỏng của các cổ động viên tạo ra.

Độ dày trong đội hình của Hàn Quốc cũng là rất đáng nể. Tại Olympic Rio 2026, đương kim số 1 thế giới Choi Mi-sun bị loại ở tứ kết, đương kim vô địch Olympic Ki Bo-bae bị loại ở bán kết. Với bất cứ đoàn thể thao nào, mất đi 2 vận động viên hàng đầu trước khi vào chung kết là một thảm họa. Nhưng rồi người đồng hương Chang Hye-jin đã đi một mạch tới huy chương vàng nội dung đơn nữ. Tương tự, ở nội dung đơn nam, cung thủ số 1 thế giới lúc đó là Kim Woo-jin bị loại ở vòng 2, nhưng Hàn Quốc vẫn giành huy chương vàng với Ku Bon-chan.

XEM THÊM: Quốc gia nào có nhiều Huy chương Vàng Olympic nhất lịch sử?