Những điều thú vị ở kỳ tuyển chọn vận động viên dự Olympic của Mỹ 

07-31-2024
11 phút đọc
(Kirby Lee/USA TODAY NETWORK)

Olympic là ước mơ của mọi vận động viên thể thao trên toàn thế giới. Chưa cần bàn đến việc cạnh tranh huy chương, việc tham dự Olympic đã là một thành tích đáng nhớ trong sự nghiệp.

Có nhiều cách để các đoàn thể thao tuyển chọn vận động viên dự Olympic: dựa trên kết quả ở giải vô địch quốc gia, dựa trên kết quả ở các giải đấu quốc tế hoặc dựa trên đánh giá của một hội đồng chuyên môn của mỗi môn thể thao. Tuy nhiên ở một số quốc gia, điển hình là Mỹ, những suất dự Olympic được quyết định dựa trên thành tích ở vòng tuyển chọn - một hình thức thi đấu trực tiếp giữa tất cả những vận động viên xuất sắc nhất.

Bất kể bạn là ai, đương kim vô địch thế giới, quán quân Olympic, hay vừa phá kỷ lục mọi thời đại, bạn vẫn phải tham gia vòng tuyển chọn. Bất kể bạn cảm thấy hơi mệt, hay chưa hoàn toàn bình phục chấn thương, bạn vẫn phải tham gia vòng tuyển chọn. Lọt vào top 3 hoặc ngồi nhà xem Olympics. Kristi Castlin, người giành huy chương đồng Olympic Rio cự ly 100m, chia sẻ: "Bạn phải dành hết cả máu, mồ hôi và nước mắt trên sân. Kỳ tuyển chọn Olympic cũng giống như trong phim Hunger Games vậy".

4 trong số những môn thể thao Olympic được quan tâm nhất ở Mỹ: lặn, bơi, thể dục dụng cụ và điền kinh đều tổ chức Kỳ tuyển chọn. Mỗi môn tổ chức ở 1 địa điểm khác nhau, mỗi môn lại có độ khó khác nhau, nhưng về cơ bản, bạn phải lọt vào 2 hoặc 3 vị trí đứng đầu để có thể giành vé dự Olympic. Lưu ý rằng vòng tuyển chọn thường chỉ áp dụng cho các môn thể thao mang tính cá nhân chứ không phải những môn đồng đội.

"Đó là cuộc chiến tinh thần. Về thể chất thì chúng tôi đều cùng đẳng cấp. Quãng thời gian bước ra khởi động cho tới khi phát súng lệnh báo hiệu cuộc đua bắt đầu, đó là lúc quyết định thắng thua", Castlin nói. Mỗi người có một cách khác nhau để vượt qua thử thách tâm lý này. Với Castlin, đó là thời trang. "Điều đầu tiên tôi làm là thay bộ đồ thật đẹp. Các đối thủ nhìn tôi như thể tôi đang đi ở Đại lộ danh vọng Hollywood. Khi tôi cảm thấy tự tin, những suy nghĩ tiêu cực sẽ không thể xuất hiện và nó thể hiện ở đường chạy sau đó". Castlin về đích thứ 2 chung cuộc ở vòng tuyển chọn 2016 và có vé đi Rio.

Justin Gatlin, huy chương vàng 100m nam ở Olympic Athens 20024 từng 4 lần dự kỳ tuyển chọn. Anh giành vé đi Olympic vào các năm 2004, 2012, 2016 và thất bại ở Olympic 2020. Trong một podcast gần đây, Gatlin nhắc đến câu chuyện nổi tiếng trong làng bóng rổ NBA khi một cổ động viên Utah Jazz đã gửi pizza tới khách sạn nơi đội Chicago Bulls đóng quân ngay trước thềm Game 5 quyết định của chung kết năm 1997. Michael Jordan ăn pizza và bị đau bụng nhưng sau đó vẫn ghi 38 điểm đưa Bulls tới chiến thắng. Với Gatlin, bài học rút ra là cẩn thận là trên hết tại vòng tuyển chọn. "Bạn thi đấu ở Oregon nơi có rất nhiều cây cối, đồng nghĩa với nhiều phấn hoa. Bạn phải chuẩn bị phương án chống lại chúng". Một lần hít phấn hoa có thể khiến thành tích bạn giảm đi vài phần trăm giây, cũng đồng nghĩa có thể mất suất dự Olympic.

Nhưng đôi khi tai nạn xảy ra mà bạn không thể làm gì được. Tại kỳ tuyển chọn Olympic 2016, Alysia Montano là ứng viên sáng giá ở cự ly 800m. Khi chỉ còn cách đích 75 mét, Montano va chạm với một vận động viên khác và ngã xuống khiến cô bị loại. "Mỗi lần nghĩ đến nó tôi vẫn không chịu nổi", cô gái từng giành huy chương đồng ở London nói. Cô cũng từng cố tham dự giải vô địch quốc gia Mỹ vào năm 2014 khi đang mang bầu 8 tháng. Có không ít những trường hợp như Montano, dù được đánh giá cao ở tầm thế giới nhưng vì nhiều lý do lại không thể vượt qua Kỳ tuyển chọn ở Mỹ và không có mặt ở Olympic. Mới đây nhất tại nội dung 800m nữ, Athing Mu, ngôi sao 22 tuổi từng giành 2 huy chương vàng tại Tokyo, đã bị vấp ngã ngay đầu cuộc đua và mất suất dự Olympic Paris 2024 một cách đầy tiếc nuối. 

(Kirby Lee/USA TODAY NETWORK)

Vì sao người Mỹ thích tổ chức Kỳ tuyển chọn vận động viên dự Olympic?

USA Track and Field, cơ quan quản lý điền kinh Mỹ là nơi ra quyết định về cách tuyển chọn vận động viên đi dự Olympic. Các điều kiện để tham gia vòng tuyển chọn được quy định chặt chẽ nhưng về lý thuyết mà nói một vận động viên nghiệp dư cũng có thể tham gia vòng tuyển chọn, nơi bạn đối đầu với những vô địch thế giới. Đây chính là một trong những lý do mà nước Mỹ chuộng những vòng tuyển chọn như thế, thay vì chọn vận động viên dự Olympic dựa trên hội đồng chuyên môn hay thành tích cũ. "Giấc mơ Mỹ" về cơ bản là ai cũng có thể đạt tới bất cứ điều gì họ muốn miễn là có tài năng và đủ nỗ lực theo đuổi nó. Tại vòng tuyển chọn, bạn thi đấu với nhau một cách sòng phẳng, minh bạch, người thắng có tất cả còn người thua chỉ biết ngậm ngùi. 

Một ví dụ kinh điển là ở môn vật tại Olympic 2000. Rulon Gardner, chàng trai sinh ra và lớn lên ở một trang trạng tại bang Wyoming, gây bất ngờ khi đánh bại Matt Ghaffari một cách sít sao ở kỳ tuyển chọn. Gardner cũng đã có nhiều năm thi đấu và giành một số thứ hạng khá cao ở các giải trong nước và quốc tế nhưng Ghaffari từng vô địch thế giới và là đương kim huy chương bạc Olympic. Sau trận đấu, giới truyền thông chỉ tập trung phỏng vấn Ghaffari và cho rằng cơ hội giành huy chương môn vật của Mỹ ở Olympic 2000 đã hết. Tại Sydney, Gardner vào tới chung kết và đối đầu với huyền thoại Alexandr Karelin của Nga, người 3 lần liên tiếp giành huy chương vàng Olympic và đã 13 năm liền chưa thua ở các giải đấu quốc tế. Kết quả Rulon Gardner tạo ra cú sốc khi đánh bại Karelin 1-0 để giành huy chương vàng. Nếu không có Kỳ tuyển chọn, có lẽ sẽ không thể có chuyện Gardner lập nên kỳ tích có một không hai trong lịch sử như vậy.

Lý do thứ 2 cũng là một "phong cách rất Mỹ": họ thích những gì quyết liệt, hấp dẫn và tạo ra doanh thu. Kỳ tuyển chọn Olympic là sự kiện được cả đất nước mong chờ, góp phần thu hút thêm sự chú ý dành cho Olympic sắp tới và là cơ hội cho các nhà kinh doanh. Các vận động viên, cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, coi kỳ tuyển chọn là 1 trong những sự kiện quan trọng nhất trong đời thi đấu của họ. Họ mang theo gia đình, bạn bè và dĩ nhiên rất nhiều người hâm mộ tới địa điểm thi đấu, con số có thể lên tới 100.000 người, kích thích một hệ thống nền công nghiệp không khói ăn theo: du lịch, đồ lưu niệm, bản quyền truyền hình ...

Thực tế cho thấy chỉ nhóm nhỏ khoảng 20 vận động viên tham gia vòng Kỳ tuyển chọn thực sự có cơ hội đi Olympic. Với đa số, có mặt ở Kỳ tuyển chọn đã là thành công rực rỡ.

Flannery Davis Love là một trong số đó. Cô gái sinh năm 1994 từng chơi bóng đá nhưng phải giải nghệ sớm vì chấn thương và sau đó tìm đến chạy bộ. Cô có một công việc chính thức toàn thời gian ở San Francisco nhưng vẫn duy trì chạy bộ và liên tục cải thiện thành tích của mình.

Năm 2023, Davis Love đạt thành tích 2 giờ 36 phút 52 giây, ít hơn 8 giây so với mốc 2 giờ 37 phút mà US Track and Field đặt ra. Tại nội dung marathon ở Kỳ tuyển chọn Olympic 2024, Davis Love chỉ về thứ 74 với thành tích 2 giờ 41 phút 9 giây, nhưng điều đó không phải là vấn đề quá lớn. "Với khoảng 120 người chúng tôi, đây chính là Olympic. Chúng tôi tới đây với tâm thế rằng mình sẽ không đi Paris, nhưng có sao đâu. Có mặt ở đây đã đáng để ăn mừng rồi. Được đứng ngang hàng với những cô gái ở đây là điều thật tuyệt vời".

XEM THÊM: Ai là VĐV giành nhiều Huy chương vàng nhất lịch sử Olympic mùa hè?