Sporting News cung cấp các thông tin cần biết về leo núi thể thao, môn thể thao có tuổi đời khá non trẻ tại Olympic Paris 2024.
Leo núi thể thao Olympic là gì?
Leo núi thể thao là nội dung tương đối mới tại Olympic Paris 2024. Tính trong khuôn khổ Thế vận hội, nó chỉ mới từng xuất hiện tại Olympic trẻ Buenos Aires 2018 và Olympic Tokyo 2020. Đây là môn thể thao yêu cầu các yếu tố tốc độ, sự nhanh nhẹn, chiến lược và sức mạnh để thi đấu.
Leo núi thể thao bao gồm 3 nội dung: Leo khối đá (bouldering), leo tốc độ (speed) và leo tự do (lead).
Ở hình thức leo khối đá, các vận động viên phải leo lên một bức tường cao gần 5m (không có dây bảo hiểm) trong một khoảng thời gian giới hạn với số lần thử ít nhất có thể. Trong quá trình leo, người thực hiện phải vượt qua 4 khối đá.
Trong vòng bán kết, các vận động viên có 5 phút để hoàn thành đường leo và ở chung kết, họ chỉ có 4 phút. Ngoài ra, họ có 8 phút để quan sát đường leo, suy nghĩ chiến thuật cho trận chung kết.
Nội dung leo tốc độ bắt đầu với vòng xếp hạng hạt giống, trong đó 14 vận động viên có 2 lượt leo (1 lượt ở mỗi bên của bức tường cao 15m). Sau đó, họ được xếp hạng dựa trên tổng thời gian hoàn thành chặng leo.
Tiếp đến là giai đoạn loại trực tiếp, với 7 cặp đấu được phân theo thứ tự hạt giống. Họ sẽ lần lượt loại nhau qua các vòng heat (vòng loại trực tiếp đầu tiên), tứ kết, bán kết, chung kết để xác định chủ nhân của những tấm huy chương.
Tại nội dung leo tự do, các vận động viên cố gắng leo càng cao trên bức tường cao 15m trong vòng 6 phút sẽ kiếm về số điểm càng lớn. Nếu leo được tới đỉnh, họ sẽ nhận về 100 điểm. Không vận động viên nào được biết trước lộ trình, điều này làm tăng độ phức tạp và thử thách cho cuộc thi.
Leo núi thể thao Olympic tính điểm như thế nào?
Với leo khối đá, vận động viên sẽ nhận được tối đa 25 điểm khi vượt qua 1 khối đá (có tổng cộng 4 khối đá). Bên cạnh đó, có thêm 2 vị trí trung gian trước khi tới 1 khối đá (vị trí đầu được tính 5 điểm, vị trí sau được tính 10 điểm) cho phép vận động viên nhận 1 phần điểm nếu họ tới được các vị trí này. Ngoài ra, mỗi một lần leo thất bại vận động viên bị trừ 0,1 điểm.
Ví dụ, vận động viên A hoàn thành khối đá 1 ngay lần leo đầu tiên + đạt tới vị trí thứ 2 của khối đá 2 sau 3 lần leo + chinh phục khối đá 3 sau 5 lần leo + không leo được tới vị trí nào của khối đá 4 dù đã leo 11 lần. Số điểm của vận động viên A sẽ là: 25 + (10 - 0,1 x 2) + (25 - 0,1 x 4) + 0 = 59,4.
Trong khi đó, ở leo tự do, vận động viên leo càng cao càng nhận được nhiều điểm. Nếu chạm tới đỉnh họ sẽ được 100 điểm.
Tại Olympic Tokyo 2020, mỗi vận động viên tham gia thi đấu ở cả 3 nội dung. Điểm tổng hợp từ tất cả nội dung sẽ được đem ra để xét huy chương.
Ở Paris 2024, leo núi thể thao được chia làm 2 cuộc thi khác nhau để tranh huy chương. Cuộc thi đầu tiên bao gồm leo khối đá và leo tự do, cuộc thi còn lại chỉ có leo tốc độ.
Những kỷ lục của leo núi thể thao Olympic
Tại Olympic Paris 2024, Sam Watson của đoàn thể thao Mỹ đã xác lập kỷ lục thế giới và Olympic ở nội dung leo tốc độ dành cho nam. Cụ thể, vận động viên sinh năm 2006 hoàn thành chặng thi với thời gian 4,74 giây. Dù vậy, Watson chỉ giành được huy chương đồng nội dung leo tốc độ.
Kỷ lục Olympic và thế giới nội dung leo tốc độ dành cho nữ hiện thuộc về Aleksandra Mirosław (Ba Lan) với thời gian 6,06 giây. Cô cũng chính là chủ nhân của huy chương vàng ở Thế vận hội năm nay.
XEM THÊM: Tại sao Mondo Duplantis chỉ phá kỷ lục thế giới nhảy sào mỗi lần thêm đúng 1cm?