Đội tuyển bóng đá nam Vương quốc Anh là một trong những tập thể thành công nhất lịch sử Olympic, với 3 lần giành Huy chương vàng. Tuy nhiên, đoàn thể thao Vương quốc Anh sẽ không thi đấu môn bóng đá (cả nam và nữ) tại Olympic Paris 2024.
Thực chất, đây không còn là điều quá xa lạ với các cổ động viên. Tuyển nam của Vương quốc Anh chỉ tham dự Thế vận hội 1 lần kể từ năm 1960, còn đội nữ cũng mới thi đấu 2 lần tính từ năm 1996.
Nhiều người tin rằng đội tuyển bóng đá Vương quốc Anh nếu xuất hiện sẽ rất mạnh. Tuyển nam Anh hiện xếp thứ 4 trên bảng xếp hạng FIFA, chỉ sau Argentina, Pháp và Tây Ban Nha. Trong khi đó, Scotland, Wales và Bắc Ireland cũng sở hữu không ít nhân tố nổi bật. Họ chắc chắn sẽ tạo nên một tập thể sáng giá trong việc giành Huy chương vàng.
Cùng Sporting News tìm hiểu vì sao cả đội tuyển nam và nữ của Vương quốc Anh đều vắng mặt ở Paris mùa hè này.
Tại sao Vương quốc Anh không có đội tuyển bóng đá tham dự Olympic Paris 2024?
Lý do Vương quốc Anh chỉ tham gia môn bóng đá nam 1 lần duy nhất trong 64 năm qua là bởi không có sự đồng thuận của các quốc gia thành viên, gồm: Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland.
Cả Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland đều được gộp thành đoàn thể thao Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (hay Vương quốc Anh) ở đấu trường Olympic. Tuy nhiên, họ thi đấu riêng lẻ tại các giải thuộc FIFA hay UEFA và mỗi quốc gia đều có Liên đoàn bóng đá của chính mình. Do đó, việc cùng tham dự Thế vận hội dưới tư cách Vương quốc Anh là vô cùng phức tạp và sẽ đe dọa tư cách thành viên độc lập của Scotland, Wales và Bắc Ireland trong các giải đấu do FIFA điều hành.
Một ngoại lệ đã xuất hiện tại Olympic London 2012, kỳ Thế vận hội do Vương quốc Anh làm chủ nhà. Khi ấy, đội tuyển Olympic Vương quốc Anh được hình thành với những ngôi sao như Ryan Giggs, Daniel Sturridge, Craig Bellamy, Micah Richards hay Aaron Ramsey. Họ kết thúc vòng bảng với vị trí nhất bảng A nhưng sau đó bị Hàn Quốc loại trên chấm luân lưu ở tứ kết.
Tại Thế vận hội 2012, chủ tịch FIFA lúc đó là Sepp Blatter đưa ra lời đảm bảo rằng Wales, Scotland và Bắc Ireland sẽ không phải đối mặt với bất kỳ lệnh trừng phạt nào vì tham gia đội tuyển Vương quốc Anh.
Không như phía nam giới, Vương quốc Anh có quyền tham gia bóng đá nữ bởi đội tuyển nữ Anh được đề cử đại diện đi thi đấu. Mặc dù vậy, họ không thể góp mặt ở Olympic Paris 2024 vì thành tích không tốt tại UEFA Women's Nations League.
Thành tích của đội tuyển bóng đá Vương quốc Anh trong lịch sử Olympic
Môn bóng đá nam xuất hiện ở Olympic kể từ năm 1900 và Vương quốc Anh chính là nhà vô địch đầu tiên (câu lạc bộ Upton Park đại diện cho Vương quốc Anh). Sau đó, họ tiếp tục lên ngôi tại các kỳ Thế vận hội năm 1908 và 1912. Với 3 Huy chương vàng, Vương quốc Anh là đội tuyển thành công nhất lịch sử giải đấu, cùng với Hungary.
Dù vậy, thành tích tốt nhất của Vương quốc Anh kể từ sau năm 1912 là hạng tư tại Olympic London 1948.
Thành tích của đội tuyển bóng đá nam Vương quốc Anh trong lịch sử Olympic
Năm | Thành tích | Số trận | Thắng | Hòa | Thua | Số bàn thắng | Số bàn thua | Huấn luyện viên |
---|---|---|---|---|---|---|---|---|
1900 | Huy chương vàng | 1 | 1 | 0 | 0 | 4 | 0 | James Jones (Anh) |
1904 | Không tham dự | - | - | - | - | - | - | - |
1908 | Huy chương vàng | 3 | 3 | 0 | 0 | 18 | 1 | Alfred Davis (Anh) |
1912 | Huy chương vàng | 3 | 3 | 0 | 0 | 18 | 1 | Adrian Birch (Anh) |
1920 | Vòng 1 | 1 | 0 | 0 | 1 | 1 | 3 | George Latham (Wales) |
1924 | Không tham dự | - | - | - | - | - | - | - |
1928 | Không tham dự | - | - | - | - | - | - | - |
1936 | Tứ kết | 2 | 1 | 0 | 1 | 6 | 5 | William Voisey (Anh) |
1948 | Hạng tư | 4 | 2 | 0 | 2 | 9 | 11 | Matt Busby (Scotland) |
1952 | Vòng loại | 1 | 0 | 0 | 1 | 3 | 5 | Walter Winterbottom (Anh) |
1956 | Tứ kết | 2 | 1 | 0 | 1 | 10 | 6 | Norman Creek (Anh) |
1960 | Vòng bảng | 3 | 1 | 1 | 1 | 8 | 8 | - |
1964 | Không vượt qua vòng loại | - | - | - | - | - | - | Charles Hughes (Anh) |
1968 | Không vượt qua vòng loại | - | - | - | - | - | - | - |
1972 | Không vượt qua vòng loại | - | - | - | - | - | - | - |
1976 | Không tham dự | - | - | - | - | - | - | - |
1980 | Không tham dự | - | - | - | - | - | - | - |
1984 | Không tham dự | - | - | - | - | - | - | - |
1988 | Không tham dự | - | - | - | - | - | - | - |
1992 | Không tham dự | - | - | - | - | - | - | - |
1996 | Không tham dự | - | - | - | - | - | - | - |
2000 | Không tham dự | - | - | - | - | - | - | - |
2004 | Không tham dự | - | - | - | - | - | - | - |
2008 | Không tham dự | - | - | - | - | - | - | - |
2012 | Tứ kết | 4 | 2 | 2 | 0 | 6 | 3 | Stuart Pearce (Anh) |
2016 | Không tham dự | - | - | - | - | - | - | - |
2020 | Không tham dự | - | - | - | - | - | - | - |
2024 | Không tham dự | - | - | - | - | - | - | - |
Tổng | 3 Huy chương vàng | 23 | 13 | 3 | 7 | 76 | 44 | - |
Ở bóng đá nữ (xuất hiện từ Olympic Atlanta 1996), Vương quốc Anh tham gia lần đầu vào năm 2012. Họ có lần tiếp theo thi đấu tại Olympic Tokyo 2020. Thành tích của Vương quốc Anh ở cả 2 lần trên đều là lọt tới tứ kết.
Thành tích của đội tuyển bóng đá nữ Vương quốc Anh trong lịch sử Olympic
Năm | Thành tích | Số trận | Thắng | Hòa | Thua | Số bàn thắng | Số bàn thua | Huấn luyện viên |
---|---|---|---|---|---|---|---|---|
1996 | Không tham dự | - | - | - | - | - | - | - |
2000 | Không tham dự | - | - | - | - | - | - | - |
2004 | Không tham dự | - | - | - | - | - | - | - |
2008 | Không tham dự | - | - | - | - | - | - | - |
2012 | Tứ kết | 4 | 3 | 0 | 1 | 5 | 2 | Hope Powell (Anh) |
2016 | Không tham dự | - | - | - | - | - | - | - |
2020 | Tứ kết | 4 | 2 | 1 | 0 | 7 | 5 | Hege Riise (Na Uy) |
XEM THÊM: Đội nào sẽ vô địch bóng đá nam Olympic 2024? Tỷ lệ cược Pháp, Argentina, Tây Ban Nha mới nhất