Thủ môn Võ Ngọc Cường: Tôi muốn chứng minh 1m72 vẫn có thể bắt V-League

08-02-2023
18 phút đọc
VPF

Thủ môn Võ Ngọc Cường tin rằng thủ môn cao 1m72 vẫn có thể bắt tốt ở V-League nếu có đầy đủ kỹ năng và sự tự tin.

Võ Ngọc Cường đang là một trong những phát hiện thú vị của V-League 2023. Lần đầu được xỏ găng bắt chính, thủ môn quê Ninh Thuận đã thi đấu như lên đồng với vô số pha cứu thua “để đời” qua đó giúp Khánh Hòa trụ hạng sớm 2 vòng đấu. 

Bắt bóng đỉnh là vậy nhưng thông tin về Ngọc Cường là con số 0 tròn trĩnh. Sự tò mò về tay găng 29 tuổi khiến Sporting News phải thuyết phục bằng được anh chàng dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện cực kỳ chi tiết về cuộc sống và sự nghiệp.

Trốn nhà đi thử việc ở Khánh Hòa

Chào Ngọc Cường! Trước nhất xin được chúc mừng bạn vì chiến tích trụ hạng V-League 2023 cùng Khánh Hòa. Bạn có thể giới thiệu đôi chút về bản thân?

Chào mọi người! Tôi là Võ Ngọc Cường, đến từ Đông Hải, Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. Nhà tôi có 5 anh em nhưng chỉ mình tôi theo nghiệp bóng đá. Trong nhà cũng không có ai đam mê. Bố đi biển, mẹ thì bận công việc này kia. Tôi đá bóng với chúng bạn trong trường để tìm niềm vui sau giờ học. 

Mình đá cho vui nên vị trí nào mình cũng muốn thử qua. Khi đá với mấy anh lớn hơn thì họ cho mình giữ gôn. Lần nọ, khi chơi cho đội tuyển trường thì chúng tôi bất ngờ thiếu thủ môn, các thầy cho tôi về trấn giữ rồi nó gắn liền với mình luôn tới giờ. 

Năm 10-11 tuổi, tôi được gọi lên đội Nhi đồng Tỉnh Ninh Thuận tham dự giải toàn quốc. Sau đó các thầy trên Sở làm việc với gia đình để cho tôi tham gia ăn tập với tuyến Năng khiếu. 

Từ khi nào bạn bắt đầu gia nhập lò đào tạo Khánh Hòa?

Khoảng năm 15 tuổi. Thời điểm đó điều kiện ở Ninh Thuận rất khó khăn. Chúng tôi ăn tập ngủ nghỉ ở sân vận động Phan Rang. Điều kiện sinh hoạt tập luyện thiếu thốn. Thấy tương lai mịt mờ, ba mẹ không cho đi đá bóng nữa. Hết lứa U15, tôi phải về nhà đi học. Mình về vậy thôi chứ vẫn còn đam mê lắm. 

Dịp nọ, Đoàn Trung Hậu - đồng hương đang tập ở Khánh Hòa - rủ tôi ra đó chơi rồi nhân tiện thử việc. Tôi nghe lời nó trốn ba mẹ ra Nha Trang mấy ngày để tập thử rồi bất ngờ trúng tuyển. 

Không lâu sau, phái đoàn từ Trung tâm huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh Khánh Hòa gồm các thầy Kiều Minh Văn và Nguyễn Văn Đồng đáp xe từ Nha Trang về tận nhà, xin cho tôi ra đó tập luyện. Lúc này ba mẹ mới biết chuyện và đồng ý.

VPF

4 năm ở trẻ Khánh Hòa trôi qua với Cường như thế nào?

Thời tôi về tập thì Khatoco đang đầu tư mạnh cho Khánh Hòa nên điều kiện ở đây rất tốt. Bóng đá trẻ phố Biển thời đó rất phát triển. 15 tuổi, tôi về đây được đẩy lên tập luôn với đội U19 của thầy Tân. Khi nào có giải mới phải về U17 thi đấu.

Năm 2012, tôi cùng U21 Khánh Hòa giành đồng Hạng Ba U21 Quốc gia. Một năm sau thì có chiến quả đầu tiên là danh hiệu vô địch U19 Quốc gia. Riêng tôi thì đoạt danh hiệu Thủ môn xuất sắc nhất.

Sau giải đấu này, tôi được thầy Tân cho bắt chính ở giải Hạng Nhất 2014. Năm đó Khánh Hòa mượn sân Ninh Thuận thi đấu. Chúng tôi giành được vé thăng hạng V-League vào cuối mùa.  

Và đây chính là bàn đạp để bạn được gọi lên đội tuyển Olympic Việt Nam chuẩn bị cho ASIAD 17?

Có thể là vậy. Đợt đó tôi được thầy Tân gọi điện thông báo. Nghe tin xong tôi bất ngờ lắm. Không nghĩ có ngày mình được gọi lên tuyển. Olympic Việt Nam khi đó được dẫn dắt bởi HLV Toshiya Miura. Tôi tập với thầy và các bạn được khoảng 2 tháng. 

Trước ngày chốt danh sách, tôi bất ngờ tái phát chấn thương cổ chân, đành lỡ hẹn với màu áo đội tuyển. Bị loại như vậy thì tôi cũng tiếc. Nhưng dẫu sao đó cũng là một kỷ niệm đẹp với cá nhân. Tôi lên tuyển học hỏi được nhiều từ các bạn các thầy. 

Còn về chấn thương thì không ai muốn cả. Không may thì phải chịu thôi. Ở Khánh Hòa, tôi cũng bị cổ chân rồi rách cơ đùi sau. Do điều kiện của trung tâm có hạn nên đa phần cầu thủ phải tự chữa trị. Nếu không làm kỹ thì rất dễ bị tái phát. 

Ngày đó người ta thường nói về HLV Miura với các bài tập thể lực khắc nghiệt. Nhưng so với Khánh Hòa thì cũng chỉ… tương đương thôi. Nhờ vậy mà khi lên tuyển tôi không bị bỡ ngỡ. 

Nếu phải chọn một cái tên có ý nghĩa quan trọng với sự nghiệp thuở đầu của mình, bạn nghĩ đó sẽ là ai?

Tôi nghĩ đó là thầy Kiều Minh Văn, người giúp đỡ tôi rất nhiều. Thầy dạy tôi các kỹ năng cơ bản của một thủ môn. Hồi ở Ninh Thuận, chúng tôi không có điều kiện để ăn tập bài bản. 

Thầy Văn đối với học trò rất gần gũi, chân tình. Luôn chia sẻ, động viên cả trong lẫn ngoài cuộc sống. Có mấy lần, thầy còn xin giày, găng của các anh đội Một cho chúng tôi sử dụng nữa. Tôi biết ơn thầy rất nhiều.

XEM THÊM: Phạm Văn Luân và câu chuyện ít biết về mua người có một không hai của bóng đá Việt Nam

VPF

Bắt chính ở V.League khi đã 29 tuổi

Sự nghiệp của Ngọc Cường chỉ thực sự phát triển khi gần chạm mốc 30. Chuyện gì đã xảy ra với bạn trong 7-8 năm trước đó?

Thực tế khi Khánh Hòa còn chơi ở Hạng Ba, Hạng Nhì rồi Hạng Nhất, thầy Tân cũng thường xuyên để tôi bắt chính. Chỉ đến khi đội lên V-League, cần một thủ môn dày dạn kinh nghiệm hơn thì mới chiêu mộ thêm Tuấn Mạnh. Lúc này anh ấy đang có phong độ quá tốt nên các đàn em phải lùi lại. 

Sau 2 năm liền ngồi dự bị, đến mùa giải 2017, tôi chủ động xin ban huấn luyện cho về Đắk Lắk bắt hạng Nhất để lấy cảm giác. Hết mùa thì quay lại Khánh Hòa tiếp tục ngồi dự bị. 

Đến khi nào bạn mới có lần ra sân đầu tiên ở V-League?

Mãi đến mùa giải 2019, tôi mới có cơ hội chơi trận đầu tiên ở V-League gặp Hải Phòng. Đợt đấy anh Mạnh bị đau mắt. Ban huấn luyện báo tin tôi được chơi từ trước đó 1 tuần. Tôi vui và phấn khởi lắm. Cả tuần chỉ chờ vào sân thể hiện. Trận đó Khánh Hòa hòa Hải Phòng 1-1. Cuối mùa thì xuống hạng. 

Scroll to Continue with Content

Bạn có kỷ niệm nào đáng nhớ trong trận đấu hôm ấy?

Tôi nhớ sau trận đấu được ban huấn luyện bầu là cầu thủ xuất sắc nhất của Khánh Hòa. Được thưởng riêng 5 triệu đồng. Tôi vui lắm. Không phải vì tiền thưởng mà là sự ghi nhận dành cho nỗ lực và quá trình phấn đấu của bản thân.

Có khi nào Ngọc Cường cảm thấy chán nản vì phải ngồi dự bị nhiều năm liền?

Đã làm cầu thủ chuyên nghiệp thì phải chấp nhận việc này. Chúng tôi ngồi dự bị nhưng vẫn kiên trì học hỏi, tập luyện. Anh em không phân biệt ai bắt chính ai dự bị. Người đi trước chỉ bảo cho người đi sau. Trên sân tập chúng tôi cạnh tranh để chiếm suất bắt chính. Nhưng ngoài sân thì rất đoàn kết, chan hòa.

Còn để nói về sự chán nản thì chỉ có một lần. Đó là đợt Khánh Hòa đang bị khủng hoảng tài chính năm 2020. Cầu thủ có ý định đình công, ngừng thi đấu. Phải đến gần hết mùa, sau khi bán Lâm Ti Phông, Đình Khương và Trùm Tỉnh cho CLB TP.HCM, lãnh đạo CLB mới có tiền trả nợ cho toàn đội.

Gia đình tôi buôn bán hải sản khô. Đợt đó khó quá, tôi cũng tính về phụ với cả nhà. Nhưng ba mẹ động viên, đã lỡ theo bóng đá thì phải cố gắng đi đến cùng. Hết đường thì hãy quay về. 

29 tuổi, bạn mới có cơ hội bắt chính ở V-League. Bạn có nghĩ thành tựu này là hơi muộn màng với mình?

So với các đồng nghiệp ở CLB khác thì có thể hơi muộn một chút. Nhưng không sao cả. Tôi tâm niệm mình cứ cố gắng hết sức, chuyện gì đến sẽ phải đến thôi. 

Năm nay 29 tuổi, tôi cảm thấy cơ thể vẫn rất ổn. Tôi sinh hoạt điều độ, tập luyện chuyên cần nên không lo ngại điều gì. Tôi hy vọng mình có thể chơi đỉnh cao lâu nhất có thể.    

2 tháng gần đây tiếp tục có một số tin tức không vui về tình hình tài chính của Khánh Hòa. Nhưng rất đáng ngạc nhiên, các bạn vẫn chơi quả cảm qua từng vòng đấu để giành vé trụ hạng. Điều gì giúp làm nên chuyện kỳ tích này?

Không có yếu tố nổi bật nào ngoài sự đoàn kết và đồng lòng. Cầu thủ Khánh Hòa vào sân đều đá vì màu cờ sắc áo, vì người hâm mộ, gia đình và danh dự của bản thân. 

Hiện tại, chúng tôi vẫn còn bị nợ một phần lương và lót tay. Lãnh đạo CLB và Tỉnh cũng đã làm việc, động viên và cam kết chi trả. Nhờ vậy anh em có thêm động lực tập trung thi đấu. Tôi hy vọng thời gian tới mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa.

Mê Danh Hoàng Tuấn, 1m72 không phải vấn đề

Tại V-League, hầu hết thủ môn đều cao từ 1m80 đổ lên. Tầm vóc hiện tại có khiến bạn cảm thấy thiệt thòi?

Chiều cao hạn chế là một thiệt thòi. Nhưng theo tôi đó không phải là rào cản quá lớn. Tuy chỉ cao 1m72 nhưng đổi lại tôi có sức bật và phản xạ khá tốt. Hàng thủ thì có ngoại binh Jairo Rodrigues. Anh ấy cao lớn, chơi bóng bổng rất giỏi.

Pha nào Jairo gặp khó tôi lại lao ra hỗ trợ. Anh em phối hợp ăn ý nên bóng bổng “xử” được hết. Thầy Tân cho chúng tôi tập tình huống cố định rất nhiều. Trong đội có nhiều bạn chơi đầu tốt. Cặp trung vệ Jairo và Công Thành cũng đã góp 5 bàn rồi. 

Điểm hạn chế lớn nhất của tôi là khả năng chơi chân. Bóng đá hiện đại đòi hỏi thủ môn phải tham gia vào lối chơi chung. Tôi nghĩ mình còn yếu khoản này, phải rèn giũa thêm nhiều hơn.

Phong cách bắt bóng hiện tại của bạn chịu ảnh hưởng bởi thủ môn nào?

Thần tượng của tôi là Danh Hoàng Tuấn. Anh Tuấn từng chơi cho Khánh Hòa khoảng năm 2012. Khi ấy đội trẻ và đội Một Khánh Hòa dùng chung nhà lưu trú và sân tập. Có thời gian tôi lại ra sân xem anh tập luyện. Mình học hỏi cách anh bắt bóng, di chuyển, ra vào… Sau giờ tập thì anh cũng chia sẻ, chỉ bảo thêm. Anh Tuấn giống như hình mẫu của tôi vậy. 

Ngoài Danh Hoàng Tuấn tôi cũng rất mê anh Thanh Thắng. Hai anh này có tầm vóc ngang ngang tôi. Khoảng 1m72. Nhưng họ bắt bóng rất cừ. Tôi học hỏi rất nhiều từ các thủ môn này.

Trên hành trình trụ hạng, trận đấu nào khiến bạn cảm thấy đáng nhớ và đáng quên nhất?

Đáng nhớ nhất là trận gặp Công An Hà Nội. Đó là đội bóng mạnh với nhiều ngôi sao và điều kiện tài chính tốt. Nhưng Khánh Hòa vẫn thi đấu rất kiên cường. Trận hòa hôm ấy không khác gì một trận thắng. Anh em rất phấn khởi, tự hào.

Còn trận đáng quên nhất là hôm thua Bình Định 3-0. Đó là trận đầu tiên tôi được cho bắt chính. Tôi để lọt lưới nhiều bàn và cảm thấy không hài lòng. Trận thua này khiến tôi phải nỗ lực hơn.

Nếu phải chọn một cầu thủ “ớn ăn” nhất, bạn nghĩ đó sẽ là ai?

Rafaelson của Bình Định. Cậu ấy tinh quái, nhạy bén, càn lướt, dứt điểm giỏi và lực sút cũng rất mạnh. Rafaelson chính là người mở tỷ số trong trận Bình Định thắng Khánh Hòa 3-0.

Gần 20 năm ăn tập bóng đá, bạn có nuối tiếc với con đường này? Giải nghệ, Ngọc Cường dự tính sẽ làm gì?

Tôi không có nuối tiếc nào cả. Nếu phải quay lại, tôi chắc chắn vẫn sẽ chọn bóng đá. Vừa thỏa mãn đam mê vừa kiếm ra tiền để nuôi sống bản thân, gia đình thì còn gì tuyệt vời hơn chứ. 

Mấy năm qua tôi tập trung cho sự nghiệp. Sắp tới cũng phải tính tới việc lập gia đình. Mai này giải nghệ, tôi sẽ về phụ mọi người buôn bán. Ổn định xong mình mới quay lại với bóng đá. Có thể là trong vai trò HLV lớp bóng đá cộng đồng chẳng hạn. Tôi cũng muốn truyền cảm hứng và đam mê cho lớp trẻ. 

Cảm ơn Ngọc Cường về cuộc trao đổi này!

Minh Phương

Thông tin cầu thủ Võ Ngọc Cường

Họ tên Võ Ngọc Cường
Ngày sinh 22/02/1994
Nơi sinh Đông Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận
Chiều cao 1m72
Vị trí Thủ môn
Đào tạo trẻ Khánh Hòa (2009-2012)
Câu lạc bộ Khánh Hòa (2012-nay)