Các nghi lễ ăn mừng của những người hâm mộ bóng đá thường có nguồn gốc sâu xa từ lịch sử và văn hóa. Ngoài ra, nó cũng có mối liên hệ với địa phương và các yếu tố xã hội.
Hành động ăn mừng bàn thắng là một yếu tố quan trọng tạo nên sự phấn khích trong môn thể thao vua. Trong lịch sử Ngoại hạng Anh, đã có không ít những khoảnh khắc ấn tượng được tạo nên bởi các cổ động viên cuồng nhiệt.
Việc hàng loạt người hâm mộ cùng nhau thực hiện màn phối hợp ăn mừng phức tạp đã không còn xa lạ trong những năm qua, điển hình như phong cách "làn sóng Mexico" ở World Cup. Ở cấp độ câu lạc bộ, kiểu ăn mừng Poznan - một phong cách đặc trưng của cổ động viên Manchester City - đang tạo ra xu hướng.
Poznan là gì?
Poznan là một phong cách ăn mừng độc đáo. Trong đó, các cổ động viên khoác vai nhau, đồng loạt nhảy lên nhảy xuống và quay lưng về phía mặt sân thi đấu.
Màn cổ động này thường xuất hiện sau khi đội nhà ghi được bàn thắng. Tuy nhiên, một số người hâm mộ sẵn sàng thực hiện Poznan khi câu lạc bộ của họ đang chiếm ưu thế trong trận đấu.
Poznan bắt đầu từ khi nào?
Một số câu lạc bộ khác nhau tại Ba Lan và khu vực Đông Âu tuyên bố rằng Poznan bắt nguồn từ họ. Mặc dù vậy, Lech Poznan (Ba Lan) là đội có được bằng chứng rõ nhất.
Lech Poznan tuyên bố màn ăn mừng này đã đi sâu vào tâm trí người hâm mộ của đội từ năm 1961. Việc họ tham dự cúp châu Âu đã khiến kiểu cổ động độc đáo này thu hút được các đội bóng bên ngoài Ba Lan. Từ đó, Poznan - hay còn cái tên khác là Grecque, ngày càng phổ biến và đã xuất hiện nhiều biến thể hơn.
Ý nghĩa của Poznan
Chưa có một định nghĩa rõ ràng nào về ý nghĩa của phong cách cổ động Poznan. Nhiều người hâm mộ cho rằng nó ám chỉ sự đoàn kết giữa các cổ động viên trong lúc ăn mừng.
Tại sao người hâm mộ lại quay lưng về phía mặt sân?
Bất chấp kiểu ăn mừng Poznan ngày càng phổ biến, cảnh tượng hàng nghìn người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt quay lưng lại với những diễn biến trên sân vẫn gây ra thắc mắc. Hiện tại, đây vẫn là một bí ẩn.
Nguồn gốc được đồn đại là xuất phát từ các cuộc biểu tình của người hâm mộ chống lại câu lạc bộ của họ. Cổ động viên vẫn yêu mến đội bóng, nhưng họ tỏ ra khó chịu với chủ sở hữu và thượng tầng của đội.
Cổ động viên đội nào thường thực hiện Poznan?
Poznan đã lan rộng khắp châu Âu và phần còn lại của thế giới bóng đá. Đặc biệt, cổ động viên Manchester City coi phong cách ăn mừng này như một đặc trưng của họ.
Mối liên hệ giữa Man City và kiểu cổ động giàu năng lượng này đến từ cuộc đụng độ của đội chủ sân Etihad với Lech Poznan tại Europa League vào năm 2010. Các cổ động viên của Lech Poznan đã reo hò và thực hiện Poznan suốt hiệp hai mặc cho Man City mới là đội đang có lợi thế chiến thắng.
Người hâm mộ The Citizen nhanh chóng tiếp thu Poznan. Giờ đây, nó thường xuyên xuất hiện trên các trận sân nhà của Man City cũng như khi đoàn quân của Pep Guardiola tạo ra những chiến thắng ấn tượng.
Poznan cũng được thực hiện bởi cổ động viên nhiều câu lạc bộ khác mỗi khi đội nhà ghi bàn. Trong đó, có thể kể đến Celtic, Ajax, Alaves, Eintracht Frankfurt và Western Sydney Wanderers.
Fan "cứng" của Man City từ chối thực hiện Poznan
Ở thời điểm Josko Gvardiol ghi bàn thắng thứ hai cho Man City trước Fulham ở vòng 37 Ngoại hạng Anh, các cổ động viên của The Citizen tiếp tục thực hiện Poznan. Tuy nhiên, máy quay trên sân đã ghi lại hình ảnh Noel Gallagher - cựu thành viên ban nhạc Rock nổi tiếng Oasis và là cổ động viên lâu năm của Man City - lạnh lùng đứng yên một chỗ giữa hàng nghìn người khác.
Không ai rõ lý do vì sao Noel Gallagher lại làm vậy. Hành động của ông trái ngược hoàn toàn với người em trai ruột Liam Gallagher.
Liam Gallagher cũng là một cổ động viên cuồng nhiệt của Man City và ông không ngần ngại bày tỏ lòng yêu thích đến Poznan. Khi đội chủ sân Etihad vô địch FA Cup 2011 và chấm dứt cơn khát danh hiệu kéo dài 35 năm, Liam đã cuồng nhiệt ăn mừng kiểu Poznan cùng cậu con trai Lennon trên khu vực khán đài VIP.
Liam Gallagher từng nói rằng: "Tôi có thể làm vậy cả ngày. Tôi yêu Poznan. Tôi muốn giới thiệu nó cho tất cả mọi người."
Chứng kiến Noel từ chối thực hiện Poznan, Liam Gallagher - vốn có hiềm khích từ trước - lập tức tận dụng thời cơ để "công kích" anh trai mình. Ông bình luận trên mạng xã hội: "Hành vi thật kém cỏi".
XEM THÊM: Có đội nào vô địch Ngoại hạng Anh 4 lần liên tiếp chưa? Cơ hội để Man City tạo nên lịch sử