Tại sao HLV Philippe Troussier sử dụng Hoàng Đức đá tiền đạo ở đội tuyển Việt Nam?

10-11-2023
8 phút đọc
Getty Images

Hai trận đấu gần nhất chứng kiến ĐT Việt Nam sử dụng Nguyễn Hoàng Đức chơi ở vị trí cao nhất trên hàng tấn công trong sơ đồ 3-4-3 của HLV Philippe Troussier. Dù chưa thực sự mang lại những hiệu quả rõ rệt, nhưng những toan tính của chiến lược gia người Pháp với một trong những cầu thủ tấn công xuất sắc nhất bóng đá Việt Nam vào lúc này đã dần được cụ thể hóa. 

Ưu ái đặc biệt cho Hoàng Đức

Khác với thời HLV Park Hang-seo khi Hoàng Đức thường xuyên được sử dụng ở vai trò tiền vệ trung tâm trong sơ đồ 3-4-3 hoặc thậm chí là tiền vệ trụ trong sơ đồ 3-5-2, HLV Philippe Troussier có thể nói là đã dành cho Hoàng Đức một sự ưu ái đặc biệt khi đặt cầu thủ tấn công này ở đúng vai trò trong màu áo câu lạc bộ. Số 14 của ĐT Việt Nam dù chơi cao nhất trên hàng công, nhưng được tự do di chuyển giữa 2 tuyến phòng ngự đối phương, nhận bóng và phát huy khả năng kiến thiết của mình.

SN

ẢNH 1.0 – Cấu trúc đội hình khi có bóng của ĐT Việt Nam trước Trung Quốc. 

Ý đồ sử dụng nhân sự của chiến lược gia người Pháp là tương đối rõ ràng. Hoàng Đức chơi như một tiền đạo ảo, còn hai cầu thủ tiền vệ công là Văn Toàn cùng Tuấn Hải sẽ phát huy sở trường của mình ở những tình huống di chuyển tốc độ ra sau lưng hàng hậu vệ đối phương. Cùng với đó, nhóm 5 cầu thủ gồm 3 trung vệ và 2 tiền vệ trung tâm vốn có khả năng kiểm soát bóng tốt ở tuyến dưới sẽ là nguồn cung cấp bóng cho Hoàng Đức. 

SN

ẢNH 1.1 – Ý đồ sử dụng nhân sự của HLV Philippe Troussier. 

SN

ẢNH 1.2 – ĐT Việt Nam hướng đến việc khai thác khoảng trống sau lưng hàng phòng ngự đối phương. 

Đặc biệt ở hiệp thi đấu đầu tiên trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, những tình huống thoát xuống của Văn Toàn hay Tuấn Hải diễn ra ở một nhịp độ rất cao. Vai trò của Hoàng Đức trong lối chơi tổng thể mà ông Troussier đề ra không chỉ dừng lại ở một người chiếm lĩnh khoảng trống, kiến thiết, mà còn là việc thu hút khoảng trống cho những đồng đội xung quanh. Có thể nói, sơ đồ 3-4-3 trên lý thuyết của ĐT Việt Nam được vận hành theo cấu trúc 3-4-1-2. 

SN

ẢNH 1.3 – Hoàng Đức là điểm đến trong những tình huống phát triển bóng của ĐT Việt Nam. 

SN

ẢNH 1.4 – Hoàng Đức nhận bóng, hướng lên phía trước, Tuấn Hải di chuyển tấn công khoảng trống. 

Scroll to Continue with Content

Đó có thể xem là dấu ấn rõ nét đầu tiên mà HLV Philippe Troussier tạo nên ở ĐTQG Việt Nam sau những trận đấu dẫn dắt đầu tiên. Khi một bộ khung đội hình và lối chơi tổng thể đã và đang dần được ổn định, thì những chi tiết nhỏ hơn sẽ là điều cần được tinh chỉnh để hướng đến tính hiệu quả. 

Sự hỗ trợ của các vệ tinh

Việc không thể có được bàn thắng trong cuộc đối đầu với Trung Quốc có thể coi là một kết quả không như mong muốn của ban huấn luyện ĐT Việt Nam. Chúng ta đã có một phương án tiếp cận trận đấu đáng để kì vọng, vận hành phương án ấy không đến nỗi tệ, nhưng sự chính xác ở những tình huống cuối cùng là thứ cần cải thiện. 

Ở khâu triển khai bóng từ tuyến dưới, ông Troussier vào lúc này có thể tự tin với những con người mình có trong tay. Quế Ngọc Hải cho thấy hình ảnh của một cầu thủ có kinh nghiệm chơi bóng dày dặn, trong khi Duy Mạnh và Tuấn Tài đều là những trung vệ lệch được đánh giá cao ở khả năng triển khai bóng. Ở phía trên họ, Hùng Dũng và Tuấn Anh đủ khả năng và độ dạn dày để giúp toàn đội có được sự cân bằng trong việc kiểm soát bóng và di chuyển đội hình. Nhóm 5 cầu thủ này có thể nói đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trước Trung Quốc. 

SN

ẢNH 2.1 – Nhóm 5 cầu thủ triển khai bóng từ tuyến dưới của ĐT Việt Nam. 

SN

ẢNH 2.2 – Thoát khỏi áp lực của đối phương, đưa bóng đến vị trí của Hoàng Đức. 

Tuy nhiên, khi đã triển khai bóng sang phần sân đối thủ ở một trạng thái đủ tốt, thì tính liên kết trong việc di chuyển giữa Hoàng Đức và các vệ tinh xung quanh vẫn cho thấy những điểm có thể cải thiện. Cụ thể hơn, những người như Tuấn Hải hay Văn Toàn cần có được sự chuẩn chỉnh hơn nữa trong cách chọn vị trí, thời điểm di chuyển để tạo ra những phương án tấn công đột biến và đúng nhịp hơn. 

SN

ẢNH 2.3 – Tuấn Hải hay Văn Toàn chưa cho thấy sự liên kết tốt nhất với cách chơi của Hoàng Đức. 

Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc tới việc trong tay ông Troussier đang không phải là những cầu thủ chạy cánh tốt nhất mà ĐT Việt Nam có thể sở hữu vào lúc này. Không bất ngờ khi Trương Tiến Anh hay Triệu Việt Hưng đều phải rời sân để nhường chỗ cho những nhân tố trẻ như Khuất Văn Khang và Hồ Văn Cường, trong khi Đoàn Văn Hậu không thể góp mặt bởi chấn thương. 

Khi thời gian hướng đến những trận đấu chính thức đầu tiên tại vòng loại World Cup hay xa hơn và Asian Cup dần ngắn lại, có thể khẳng định những tín hiệu tích cực trong lối chơi đã tới với đội bóng của ông Philippe Troussier.

Một bộ khung nhân sự đã hình thành, những phương án chiến thuật trong triết lý chơi kiểm soát bóng của chiến lược gia người Pháp cũng đã được nhìn thấy. Giờ sẽ là lúc ĐT Việt Nam cần cải thiện tính hiệu quả, từ những chi tiết nhỏ nhất trong lối chơi của mình để sẵn sàng đối đầu với những đối thủ có trình độ chiến thuật và thể chất tương đồng, thậm chí là ở đẳng cấp cao hơn. 

XEM THÊM: Trung Quốc có mạnh không? Vị trí của đội tuyển Trung Quốc trên bảng xếp hạng FIFA