Cầu thủ Việt kể chuyện đá bóng trên đất Campuchia, HLV Lee Tae-hoon và chuyến đi nhớ đời ở giải hạng Ba

08-13-2023
53 phút đọc
NVCC

Sau 15 năm rong ruổi đá bóng khắp từ Việt Nam cho tới Campuchia, cựu binh Lâm Huệ Dũng nói lời chia tay sự nghiệp ở tuổi 34 trong màu áo đội Cung Đình Tháp. 

Tháng 08/2023, trong những ngày nghỉ ngơi tại quê nhà Đồng Tháp, cựu tiền vệ U17 Việt Nam lứa 1988 dành cho Sporting News cuộc trải lòng về hành trình sự nghiệp. 

Trong đó có những câu chuyện làm nghề vô cùng đáng nhớ ở xứ sở Chùa tháp. Vốn là quê hương của ba và là nơi anh sinh ra lớn lên trong 9 năm đầu đời.

Tuổi thơ xa ba mẹ, nổi lên nhờ tài đá bóng

Chào anh Dũng! Anh có thể giới thiệu đôi chút về bản thân và gia đình?

Tôi là Lâm Huệ Dũng, sinh năm 1988 tại Prey Veng, Campuchia. Tôi là con lai. Ba người gốc Campuchia, còn mẹ Việt Nam. Tôi sinh ra lớn lên ở bên đó. Tới 9 tuổi thì được gia đình gửi về quê ngoại ở huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp để học tiếng Việt. Ba mẹ ở lại làm đủ nghề để mưu sinh. Trong đó có thu mua và bỏ mối cá.

Trong nhà có 3 anh em thì anh trai lớn ở lại Prey Veng. Tôi và em gái về Việt Nam sống với ông bà và một người cô. Thỉnh thoảng, kiếm được tiền, ba mẹ lại gửi về để phụ trang trải. Anh em tôi nhớ ba mẹ nhưng cũng thông cảm cho họ. Hai đứa cứ chờ dịp hè để lên Prey Veng thăm gia đình và họ hàng. 

Từ khi nào anh biết tới bóng đá?

Niềm đam mê bóng đá trong tôi bắt đầu từ những ngày theo học tại trường tiểu học An Bình A4. Tôi thường đá bóng với bạn bè vào giờ ra chơi hoặc cuối mỗi buổi. Sau này, khi trường tổ chức giải cho các khối lớp thì mình được phát hiện. Các thầy gọi tôi vào đội tuyển trường đi đá giải cấp huyện rồi cấp tỉnh. 

Đợt đá giải cấp tỉnh, trường tôi đoạt chức vô địch. Tôi được các thầy bên Sở gọi vào đội Nhi đồng tỉnh dự giải toàn quốc. Đến 12 tuổi thì gia nhập tuyến năng khiếu của tỉnh Đồng Tháp, tham dự Hội khỏe Phù Đổng và giải Thiếu niên.

NVCC

Sau giải thiếu niên toàn quốc, anh bắt đầu được gọi lên đội dự tuyển Quốc gia khu vực phía Nam?

Đúng vậy. Mang tiếng là quân Đồng Tháp nhưng thời niên thiếu tôi chủ yếu sinh hoạt, tập luyện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hồi đó Liên đoàn bóng đá Việt Nam thành lập các đội dự tuyển ở khu vực phía Nam và Bắc. Họ tuyển cầu thủ trẻ lứa U15 rồi tổ chức đào tạo dài hạn ở trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia. 

Tôi cùng Huỳnh Trung Cang và Mai Minh Tân đại diện cho Đồng Tháp lên thành phố ăn tập với thầy Ngô Lê Bằng trong 6 năm. Trong 3 đứa thì chỉ có mình tôi theo được con đường chuyên nghiệp. Một bạn gặp chấn thương phải nghỉ giữa chừng. Một bạn thì bị tai nạn xe máy, hỏng bàn chân, cũng phải chia tay sân cỏ.

Ăn tập với đội dự tuyển nhưng khi có giải trẻ quốc gia thì anh vẫn trở về thi đấu đúng không?

Các cầu thủ sinh hoạt, tập luyện ở Thủ Đức. Khi có giải trẻ thì quay về phụng sự địa phương. Năm 16 tuổi, tôi cùng Đồng Tháp giành đồng hạng Ba giải U18 Quốc gia ở Hải Phòng. Sau giải này, tôi được gọi tập trung đội tuyển U17 Việt Nam đá vòng loại U17 châu Á 2004. 

Tuy nhiên, đến trước vòng chung kết tổ chức ở Nhật Bản thì bất ngờ bị giãn dây chằng đầu gối. Chấn thương chẳng những khiến tôi lỡ hẹn giải đấu mà còn làm ảnh hưởng đáng kể đến phong độ về sau này.

Đến khi nào thì anh trở lại Đồng Tháp? Và mọi chuyện sau đó ra sao?

Kết thúc khóa học, tôi quay về Đồng Tháp tập thử nhưng không trụ được. Câu lạc bộ gửi tôi đi hạng Nhì rồi hạng Nhất để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Trước khi quay lại Đồng Tháp năm 2017, tôi từng chơi cho Cà Mau, Lâm Đồng, Vĩnh Long và đặc biệt là Tây Ninh. Nơi tôi đã trải qua 6 năm với nhiều niềm vui.

So với mặt bằng giải hạng Nhất, điều kiện và đãi ngộ ở Tây Ninh rất ổn. Ngoài lương tháng, họ còn cho lót tay 150-200 triệu/mùa. Lãnh đạo CLB quan tâm và chăm lo cho cầu thủ. Không để ai phàn nàn bất kỳ điều gì. Đây là một trong những đội bóng tốt nhất mà tôi từng khoác áo trong 16 năm đá chuyên nghiệp.

Đang yên đang lành ở Tây Ninh, vì sao anh lại quay về Đồng Tháp mùa 2017 và sau đó không lâu đã phải rời đi?

Chuyện này kể ra cũng khá dài. Nó bắt nguồn từ khoảng cuối năm 2016. Thời điểm này, Đồng Tháp vừa chia tay sân chơi V.League. Sau khi xuống hạng, lãnh đạo có ý muốn gây dựng lại đội bóng từ nguồn cầu thủ “cây nhà lá vườn”.

Một quan chức CLB khi ra Tây Ninh xem giải U17 Quốc gia thì có gặp tôi và bảo “mày người Đồng Tháp, giờ đội xuống hạng Nhất rồi, sao không quay về cống hiến”. Ông khuyên tôi về quê chơi bóng. Vừa để đóng góp cho tỉnh nhà vừa để gần vợ con.

Tôi nghe vậy thì thấy cũng hợp lý. Dẫu gì, mình cũng đã đi xa 6 năm. Giờ về quê, thu nhập có thiệt thòi một chút, nhưng được gần gia đình. Tôi lên gặp lãnh đạo Tây Ninh xin thanh lý hợp đồng sớm. Các anh các chú cũng rất thoải mái. Họ chia sẻ với hoàn cảnh của cầu thủ, hoàn tất thủ tục để tôi rời đi.

Nửa mùa ở Đồng Tháp có vẻ không ổn lắm với anh?

Tôi không ngờ lúc về Đồng Tháp thì lại xảy ra nhiều chuyện. Nhóm cựu binh gồm những người lớn tuổi như tôi, tiếng là được mời về, nhưng lại không được trọng dụng. Anh em tập với nhau xuyên suốt giai đoạn chuẩn bị. 

Nhưng vào giải thì ban huấn luyện lại để các cầu thủ 17-18 tuổi thi đấu. Thành tích theo đó cũng không được tốt. Mâu thuẫn giữa ban huấn luyện và nhóm cựu binh ngày một lớn. 

Gần hết giai đoạn 1, chúng tôi xin ngừng thi đấu để trở về nhà. Lãnh đạo biết chuyện thì xuống động viên, khuyên nhủ và cả hứa hẹn. Nhưng khi quay lại tập thì chuyện này vẫn không thay đổi. Nhóm trẻ vẫn được đá. Tôi thì vẫn phải dự bị. Nước tràn ly, anh em chán nản bỏ về. Chấp nhận nghỉ không lương. 

XEM THÊM: Bảng xếp hạng V-League 2023: Cập nhật kết quả, cuộc đua Vua phá lưới, lịch thi đấu

Thử thời vận trên đất Campuchia

Vậy ra đây là lý do anh bỏ sang Campuchia? 

Tôi về nhà nghỉ ngơi thì được thằng bạn Nguyễn Duy Phương liên hệ rủ sang Campuchia đá bóng. Duy Phương người An Giang, nhỏ hơn tôi 1 tuổi, đá tiền vệ tấn công. Hai đứa về Đồng Tháp đầu mùa 2017. Không được trọng dụng nên chúng tôi cùng xin thanh lý sớm. 

Hồi ở An Giang, nó từng được cho mượn ở Kirivong Sok Sen Chey, một đội bóng tỉnh lẻ nằm gần biên giới Việt Nam-Campuchia, nên ít nhiều có hiểu biết về bóng đá bên đó. 

Phương nhắn nhủ: “Tao với mày ăn tập đầy đủ từ đầu mùa. Thể lực, sức mạnh, chuyên môn đảm bảo. Giờ ngồi nhà thì chẳng để làm gì. Chi bằng tụi mình sang Campuchia thi đấu. Tuy không có lót tay nhưng lương họ trả cao hơn ở Đồng Tháp”.

Phương lấy số tôi cho ông bầu của Kirivong. Ít ngày sau thì họ liên lạc. Tôi bắt xe lên cửa khẩu Tịnh Biên rồi được người của Kirivong đón về. Họ tiếp đón khá chu đáo. Lúc đến nơi, họ cho tôi ở khách sạn với 2 cầu thủ cũng là con lai Việt Nam-Campuchia. Trong đó có một bạn từng chơi cho Kiên Giang. 

Quá trình thử việc có khó khăn không và anh được ký hợp đồng từ khi nào?

Cũng nhanh thôi. Sau 1 ngày nghỉ ngơi, hôm sau cả bọn được cho vào đá thử 1 trận. Đá xong thì ông bầu và ban huấn luyện rất ưng. Lúc này, tôi nói với ông bầu Kirivong: “Lương của em ở Đồng Tháp là như này. Anh cho em lương cao hơn thì em qua. Còn không thì thôi. Vì em phải đi xa nhà rồi còn lo cho vợ con”. 

Ông bầu đồng ý. Ngoài lương hơn 20 triệu đồng, Kirivong còn bao ăn ở, ngủ nghỉ. Thỏa thuận xong, tôi mới dám sang đó.

Bối cảnh giải vô địch quốc gia Campuchia thời đó như thế nào?

Kirivong là tân binh giải VĐQG Campuchia năm đó. Thời điểm 2017, bóng đá của họ còn sơ khai, lạc hậu lắm. Điều kiện tập luyện, sân bãi rất kém. Thi đấu thì toàn giờ trưa nắng nóng.

Ở Việt Nam buổi trưa nắng nóng thế nào ai cũng biết. Bên Campuchia còn hơn như vậy. Trước giờ đá, cầu thủ tự chạy xe gắn máy tới sân. Nếu 3h đá thì 1h30 phải có mặt. Những đội có điều kiện, đá trễ lúc 6 giờ tối thì 3h30 hoặc 4 giờ chiều cầu thủ mới phải tới sân. Còn đội nhà nghèo thì phải chịu cực. 

Chỉ có đi sân khách thì câu lạc bộ mới cho xe buýt đưa đón. Nhưng cũng phải đi gấp về vội. Ăn uống ngủ nghỉ luôn trên xe để tiết kiệm thời gian, chi phí. Đi xa có khi phải ngồi xe 8-9 tiếng.

Những năm gần đây, khi có thêm ông bầu và nhà tài trợ, họ mới học cách làm từ Việt Nam và Nhật Bản, chăm lo cho cầu thủ chu đáo, đầy đủ hơn. Trước đây thì còn cực lắm.

Hành trình của anh ở Kirivong suôn sẻ chứ?

Nhìn chung trình độ bóng đá Campuchia không cao. Cỡ tôi ở Việt Nam chỉ đá hạng Nhất là hết mức. Nhưng sang đó vẫn có thể chiếm vị trí quan trọng. Ban đầu thầy cho tôi đá tiền vệ trung tâm. Nhưng sau một lần trung vệ đá chính bị chấn thương, thiếu người, họ kéo tôi về trám vào. Từ đó tôi “chết” luôn ở vị trí này. Đi Tiffy Army vẫn đá trung vệ.

Nguồn lực Kirivong thì bao gồm cầu thủ gốc Việt như tôi, một số bạn người địa phương và ngoại binh. Không mạnh nhưng cũng đủ sức chinh chiến ở giải vô địch Quốc gia. 3 mùa tôi đá cho Kirivong, mùa cuối về thứ 7 trên 14 đội, cũng là thứ hạng tốt nhất. 

Có cơ hội nào để anh được khoác áo đội tuyển quốc gia Campuchia?

Nhờ thể hiện tốt, cả tôi và Duy Phương đều có tên trong danh sách đội dự tuyển Campuchia. Tuy nhiên, chúng tôi rất khó để lên tuyển. Một phần vì thủ tục nhập tịch còn gặp trục trặc. 

Một phần vì bóng đá Campuchia cũng giống như Việt Nam 20 năm trước. Họ làm việc theo dây. Rất khó để “người ngoài” lọt vào. Đội hình gần như đã được “đóng khung”. Mãi đến sau này, khi các huấn luyện viên ngoại xuất hiện, mọi chuyện mới dần thay đổi.

Anh có gặp khó khăn nào trong thời gian khoác áo Kirivong?

Mọi chuyện bình thường cho đến ngày tôi hết hạn hợp đồng. Thấy tôi đá hay, Boeung Ket Angkor ngỏ lời chiêu mộ. Đây là đội bóng được đầu tư mạnh. Tôi rất muốn về đầu quân. Tuy nhiên khi đến gặp ông bầu để xin giấy thanh lý thì họ lại làm khó.

Họ muốn lấy phí chuyển nhượng thì mới chịu đưa giấy. Nhưng tôi đã hết hạn hợp đồng thì làm sao bắt Boeung Ket chi tiền được. Họ cứ làm việc theo kiểu “phép vua thua lệ làng”.

Thời điểm đó, các quy định và điều luật để bảo vệ cầu thủ của Campuchia rất lỏng lẻo. Tôi thưa chuyện lên Liên đoàn bóng đá Campuchia nhưng họ cũng không có hướng giải quyết. Họ để tôi và đội bóng tự xử lý với nhau. 

Cuối cùng anh làm thế nào để tìm đường thoát?

Cùng đường, tôi bèn liên lạc với đội Tiffy Army. Đây là đội bóng thuộc quân đội Campuchia, có thể dùng ảnh hưởng để tác động với phía Kirivong. Tôi trình bày hoàn cảnh với lãnh đạo câu lạc bộ rồi xin về đầu quân. Phía Tiffy Army sau đó làm việc với Kirivong. 1 tuần sau thì ông bầu cũ gọi tôi về đội nhận giấy. 

Nhưng tôi về đó ăn dằm nằm dề đúng 1 tuần họ vẫn không đưa. Ông bầu gợi ý tôi phải tự bỏ tiền túi chuộc giấy. Họ cứ lần lữa, hứa hẹn mãi. Thấy tôi đi lâu không về, huấn luyện viên trưởng Tiffy Army mới gọi điện phàn nàn. 

Tôi thưa chuyện thì ông ấy mới biết và gọi cho Kirivong lần nữa. Lúc này ông bầu mới đồng ý trả giấy. Sáng hôm sau, tôi sang nhà ông ấy thì có nhân viên chạy ra đưa rồi việc khép lại.

Đãi ngộ và điều kiện sống ở Kirivong ổn chứ?

Kirivong là đội bóng tỉnh lẻ nên điều kiện cũng vừa phải. Ông bầu thuê một căn nhà 3 tầng cho cầu thủ lưu trú. Hàng tháng, họ gửi thêm tiền mua thực phẩm, hỗ trợ gạo và dụng cụ nấu ăn để cầu thủ tự xử. Nhà lưu trú chỉ có cầu thủ Việt Nam ở thôi. Người địa phương thì họ về nhà với gia đình. 

Việc quản lý cầu thủ vì thế cũng rất khó nói. Nó còn tùy vào cầu thủ nữa. Có người chuyên nghiệp, có người thì nghiệp dư. Khi cầu thủ về nhà thì mình không biết được họ có sinh hoạt điều độ, ăn uống phù hợp hay không.

Sau này, tôi về đầu quân cho Tiffy Army thì việc quản quân nghiêm ngặt hơn. Đi đâu thì đi, cứ 9h30 tối là phải về phòng. Tầm 10h hơn sẽ có thầy đi kiểm tra, nếu thấy sáng đèn thì họ sẽ kêu tắt để đi ngủ, mai còn tập luyện. Nói chung, cách làm và kỷ luật ở Campuchia cũng gần giống với Việt Nam.

XEM THÊM: "Siêu nhân" Trần Gia Huy: Mệt mỏi vì tiêm hormone và sự lột xác dưới tay thầy Quốc Vượng ở Hòa Bình

Huấn luyện viên Lee Tae-hoon đánh mắng cầu thủ

Năm 2021, cựu huấn luyện viên HAGL ông Lee Tae-hoon về cầm Tiffy Army. Sau đó hai bên xảy ra một số vấn đề nghiêm trọng. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn được không?

Đợt đó lãnh đạo Tiffy Army muốn đội bóng tiến bộ hơn nên mời ông Lee Tae-hoon về cầm quân. Không ngờ, trong vòng nửa năm, ông thầy người Hàn Quốc đã phá tan nát đội tôi. 

Thầy Lee điều hành đội bóng giống như một trại lính. Tập quá nặng đi. Sáng tập, chiều cũng tập. Toàn tập nặng. Trước ngày thi đấu cũng vậy. Rồi vào sân sức đâu mà đá. Sáng 9h45 ra sân tập tới 12h trưa, xong xuôi phải ở lại sinh hoạt tập thể, sau đó mới phép lên phòng tắm rửa, xuống bếp ăn cơm. 

Nghỉ trưa được hơn 1 tiếng, đến 3h chiều, đội lại tổ chức họp, phổ biến nội dung tập luyện. Đến 3h30 thì ra sân tập chiến thuật. Làm sai là bị chửi mắng, phải sửa lại cho đúng ý, không thì cứ tập tiếp đến khi đúng mới được dừng lại. 

Buổi tập đáng ra 90 phút thì nhiều khi kéo dài tới 2 tiếng hơn. Chúng tôi như thể là cỗ máy hoặc tội phạm trong mắt ông ấy.

Getty Images

Ngoài tập nặng, huấn luyện viên Lee còn làm gì quá đáng không?

Huấn luyện viên Lee còn một điều đáng trách nữa là thiên vị đồng hương. Ông ấy chiêu mộ cầu thủ từ Hàn Quốc sang. Trong đó có một người cháu bên vợ. Em này còn rất trẻ, chỉ khoảng 18 hay 19 tuổi gì đó. Khả năng và sức khỏe thì có hạn. 

Trong lúc tập bạn này thường xuyên không theo nổi giáo án. Nhưng huấn luyện viên Lee thay vì đánh mắng như từng làm với cầu thủ khác thì lại cho phép người nhà ngưng tập. Và rồi điều gì đến cũng phải đến.  

Có phải là một vụ ẩu đả giữa cầu thủ với huấn luyện viên trưởng?

Romario Alves, tiền đạo người Brazil, từng tập ở Đồng Tháp sau được tôi giới thiệu về thi đấu cho Tiffy Army. Bạn này đá mùa đầu rất tốt. Nhưng khi thầy Lee về thì xảy ra mâu thuẫn. 

Lần nọ, do tập nặng quá sức, gót của Romario bị phồng, nó xin ban huấn luyện cho nghỉ. Tuy nhiên, khi ra ngoài ngồi cạnh thùng nước đá xem đội tập thì bị thầy Lee tiến đến đuổi đi. 

Ông ấy đeo kính râm, mặt đằng đằng sát khí, bước đến gần chỗ Romario rồi sút mạnh vào đôi giày móng của nó như muốn dằn mặt. Romario tức giận nói tại sao tôi không được xem đội tập.

Ông Lee không nói không rằng lao vào cầu thủ. Romario cũng không kìm được, đứng dậy đánh trả. Nếu chúng tôi không nhảy vào can thiệp thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Sau vụ đó, Romario bị loại khỏi đội. Mặc cho đã hết chấn thương, huấn luyện viên Lee vẫn không cho nó vào tập. Cứ nó đến xếp hàng điểm danh trên sân thì bị ông Lee đuổi ra. 

Nhưng Romario cũng lỳ lắm, nó cứ ở với đội như vậy. Tự tập một mình. Tập sút, tập chạy rồi đi gym để giữ thể trạng. Lương thì vẫn nhận đủ. Chỉ là không được tập luyện, thi đấu với đội.

Bản thân anh có từng bị thầy Lee đánh mắng?

Ông Lee chỉ dám mắng chửi tôi và các cầu thủ cứng tuổi. Còn cầu thủ trẻ và ngoại binh thì mới bị đánh. Ai chuyền hỏng hoặc đứng sai vị trí đều bị ông ấy tiến tới táng thẳng vào người. 

Lần nọ, một số cổ động viên ngồi xem thấy vậy thì rất bức xúc. Họ báo lại cho lãnh đạo câu lạc bộ. Giọt nước tràn ly diễn ra vào sáng hôm sau. Khi ra sân tập thì huấn luyện viên Lee tiếp tục chửi mắng cầu thủ. 

Nhóm trụ cột gồm 5-6 người, trong đó có tôi, quyết định đình công. Chúng tôi không chấp nhận đi đá bóng mà cứ bị chửi mắng như vậy. Mình không còn là con người nữa. 

Thấy tình hình mất kiểm soát, lãnh đạo câu lạc bộ họp khẩn rồi quyết định sa thải huấn luyện viên Lee. Tính ra ông ấy dẫn dắt đội tôi được khoảng 5 tháng. Từ chỗ đang đứng trong top 4, Tiffy Army rơi xuống vị trí thứ 7 khi ông rời đi. 

Tôi cũng không biết vì sao lãnh đạo lại kiên nhẫn với ông ấy lâu như vậy. Ở Campuchia thời điểm đó, không đội nào dám mời thầy Lee. Ông ấy yêu cầu cao về đãi ngộ và nhà xe. Chỉ có Tiffy Army mời huấn luyện viên này và rồi phải trả giá.

Chỉ có lương, không thưởng hay lót tay

Thu nhập của anh ở Tiffy Army có được cải thiện?

So với Kirivong thì Tiffy Army có nền tảng tài chính khá hơn. Lương của tôi đợt đó trên dưới 25 triệu. Nhưng cũng như các câu lạc bộ khác ở giải vô địch quốc gia Campuchia, bên này họ chỉ trả lương thôi, không có thưởng hay lót tay gì hết. 

Lâu lâu, các sếp thương tình thì dúi cho vài trăm nghìn “dằn túi”. Với tôi thì mức thu nhập này cũng khá ổn. Hàng tháng, tôi giữ lại một ít tiêu xài, còn đâu gửi về nhà cho vợ nuôi con.

Có một điều đặc biệt, ở Campuchia, không có thưởng hay lót tay đã đành, ngay cả bảo hiểm cũng không có nốt. Nếu chấn thương, CLB sẽ cử người dẫn mình đi điều trị. 

Ở các đội tỉnh lẻ thì mức độ quan tâm thấp hơn một chút. Lãnh đạo sẽ chi tiền cho cầu thủ rồi để họ tự lo. Dịch vụ y tế ở Campuchia rất đắt đỏ và cũng không mấy hiệu quả. Nên đây là bất lợi dành cho cầu thủ đá bóng bên đó.

Thế còn điều kiện và môi trường thi đấu thì sao?

Đãi ngộ thì không quá cao nhưng đổi lại môi trường ở Tiffy Army rất tốt. Anh em sống hòa thuận, thương yêu, hỗ trợ lẫn nhau. Điều kiện thi đấu, sân bãi tập luyện cũng khá ổn. 

Đợt rồi đội tuyển nữ Việt Nam đá vòng bảng SEA Games 32 ở chính sân vận động của Tiffy Army. Chúng tôi sinh hoạt, tập luyện ngay đó. Dịp đó tôi đã dừng chơi bóng nên tháp tùng các anh bên đài truyền hình Đồng Tháp đi tác nghiệp. 

Sau này, dù không còn đá cho Tiffy Army nữa, tôi vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp với các cấp lãnh đạo. Có dịp quay lại Campuchia, hoặc khi các anh sang Việt Nam công tác, họ cũng liên lạc hỏi thăm mình dạo này thế nào. Các anh quý tôi vì thời gian ở đó tôi sinh hoạt, tập luyện, đá bóng đều gương mẫu, chuyên nghiệp.

Scroll to Continue with Content

Từng sống ở Campuchia nhiều năm, anh thấy cuộc sống bên đó thế nào?

Cuộc sống ở Campuchia không ồn ào, náo nhiệt như Việt Nam. Người dân hòa đồng, thân thiện. Họ xem tôi như người bản xứ. Cần giúp đỡ là họ tiếp mình một tay. Không nề hà điều gì. 

Về mức sống thì cũng ngang ngang với Việt Nam. Không rẻ đâu. Ví dụ một đĩa cơm bình dân thì khoảng 25.000 đồng, ăn sang hơn thì tầm 60.000-70.000 đồng. Mỗi tháng, nếu tiêu xài tiết kiệm, tôi có thể gửi về nhà 500-600 USD (ở Campuchia tiền USD rất phổ biến - PV). Còn lại mình giữ tiêu vặt.

Nhưng nói chung, thời gian sống ở Campuchia, tôi chỉ chuyên tâm tập luyện, thi đấu. Xong xuôi là mình về phòng nghỉ ngơi. Khi đội được nghỉ thì về lại Đồng Tháp thăm gia đình. Tôi không ra ngoài nhiều nên cũng ít để ý xung quanh có gì.

Hiện tại còn bao nhiêu cầu thủ Việt Nam ở Campuchia?

Cầu thủ Việt Nam ở Campuchia giờ cũng còn 5-6 người. Trong đó có Dương Văn Hòa, Lưu Thanh Hào rồi Đào Hoài Niệm (Dav Nim) - người từng được gọi lên đội tuyển quốc gia Campuchia. 

Bên cạnh đó còn khoảng 6 cầu thủ con lai Việt Nam-Campuchia lớn lên ở bên đó. Đó là những người tôi biết. Thực tế có thể nhiều hơn. Nhưng mình không rõ vì bề ngoài họ cũng giống như người bản địa. Một số cầu thủ cùng thời với tôi như Duy Phương hay Diệp Hoài Xuân đều đã quay về Việt Nam.

Theo anh trong tương lai, sẽ có nhiều cầu thủ Việt Nam sang Campuchia thi đấu chứ?

Nhu cầu vẫn còn nên có thể sẽ có thêm. Gần đây một số đội cũng liên hệ với tôi để nhờ tìm cầu thủ con lai Việt Nam-Campuchia. Tôi đã liên hệ một số tỉnh miền Tây như An Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long… để hỏi thử. Nhưng do ở Việt Nam lúc này, cầu thủ đang bận đá hạng Nhất, hạng Nhì nên không tìm được cái tên nào phù hợp. 

Cầu thủ Campuchia đá nặng về thể lực. Đó gần như là điểm mạnh duy nhất của họ. Còn về trình độ kỹ thuật, tư duy chiến thuật, tinh thần, sự chuyên nghiệp này nọ thì không bằng mình. Vì vậy, cầu thủ Việt Nam có rất nhiều cơ hội. Phần vì mình chịu thương chịu khó, được đào tạo cơ bản, tinh thần và sự chuyên nghiệp đều cao. Cho nên huấn luyện viên họ thích lắm.

Anh có nghĩ giải vô địch quốc gia Campuchia là "đất lành" dành cho các cầu thủ Việt Nam không?

Theo tôi, nếu nhận được đề nghị thỏa đáng, thì cầu thủ Việt Nam cũng nên cân nhắc sang đó chơi. Tuy nhiên phải chịu khó học tiếng. Bản thân tôi ngoài tiếng Campuchia còn tự mày mò học thêm tiếng Anh để giao tiếp cơ bản với Tây. 

Ngoài ngôn ngữ, cầu thủ cũng cần nghiên cứu kỹ các điều khoản, quyền lợi trong hợp đồng. Nếu phù hợp thì hãy đi. Tôi nghĩ, đá ở đâu cũng vậy thôi, Việt Nam hay Campuchia, quan trọng nhất vẫn là thu nhập phải đủ sống, có thể chăm lo cho bản thân và gia đình. Nếu có cơ hội thì mình cứ thử. Đối đầu thử thách, không được này thì cũng sẽ được kia.

Anh đến Campuchia năm 2017 và rời đi năm 2021. Sau 5 năm, anh thấy bóng đá xứ Chùa tháp thay đổi như thế nào?

So với hồi tôi mới sang thì bóng đá Campuchia đã phát triển lớp lang hơn. Campuchia được người Nhật hỗ trợ về cách làm. Các đội chuyên nghiệp đá C-League phải có ít nhất 2 lứa U là 17 và 19. Còn từ U15 đổ xuống là nhiệm vụ của bóng đá học đường. 

Những cầu thủ trẻ tiềm năng còn được Liên đoàn bóng đá Campuchia đưa sang Nhật tập huấn ngắn hạn. Việc đào tạo bây giờ đã bài bản, chuyên nghiệp hơn trước rất nhiều. 

Liên đoàn rất chú trọng phát triển đội ngũ huấn luyện viên. Ai muốn đăng ký đi học thì đều được tạo điều kiện. Liên đoàn không thu tiền gì cả. Ai đi học còn được hỗ trợ. Ăn uống ngủ nghỉ di chuyển đều có người lo. Người ta khuyến khích tối đa. 

Việc tuyển chọn và đào tạo ở Campuchia diễn ra thế nào?

Cứ vào một dịp nhất định, họ sẽ tổ chức các ngày hội tuyển chọn cầu thủ trẻ. Thông tin về buổi tuyển chọn được đăng tải rộng rãi trên báo đài và trang chủ của Liên đoàn. Tuy nhiên cách đánh giá năng lực của họ cũng hơi khác Việt Nam một chút.

Thay vì kiểm tra qua khả năng tâng bóng, chuyền bóng, chạy tốc độ… thì huấn luyện viên Campuchia sẽ cho các em vào đá đối kháng luôn. Từ đây họ quan sát, đánh giá và quyết định có thu nhận cầu thủ hay không. 

Sau khi được chọn, cầu thủ sẽ sinh hoạt, tập luyện tập trung tại Bati. Đây là trung tâm huấn luyện bóng đá Quốc gia. Cơ sở vật chất ở đó khá tốt. Có 5-6 sân bóng phục vụ thi đấu, tập luyện. Ngoài ra họ còn có đội Một chơi ở giải hạng 2 Campuchia.

Bán giày, làm hướng dẫn viên “bất đắc dĩ”

Được biết, ngoài đá bóng, anh còn làm thêm nghề bán giày. Cơ duyên nào đưa anh đến với công việc này?

Rất tình cờ thôi. Đợt đá cho Kirivong, tôi cứ đi đi về về giữa Việt Nam và Campuchia. Lần nọ tôi từ quê lên thì có xách theo một đôi giày đinh mới cứng. Đồng đội tò mò hỏi giá cá thể nào. Nghe tôi trả lời thì họ rất sửng sốt. Họ bảo giá giày ở Campuchia đắt hơn như vậy rất nhiều. 

Các bạn gợi ý mình mua giúp rồi họ gửi tiền cà phê. Tôi thấy mình cũng chẳng mất gì nên nhận lời. Rồi từ từ theo thời gian, người này truyền tai người kia, tôi có thêm mối lái. Các tuyển thủ Campuchia bây giờ cũng mang giày tôi bán. Họ lên tuyển rồi giới thiệu cho bạn bè. Từ đó tôi lại có thêm khách. 

Nghỉ đá bóng, tôi mở shop giày online. Vừa phục vụ cầu thủ Campuchia vừa bán cho anh em đá bóng ở Việt Nam. Gần như tuần nào tôi cũng có đơn hàng gửi sang bên đó. Đây là nguồn thu chính giúp tôi trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình.

Thế còn công việc “hướng dẫn viên” cho cầu thủ Campuchia đến Việt Nam chữa trị chấn thương?

Mọi người cũng biết, ở Campuchia thì người dân rất gần gũi với văn hóa Thái Lan. Có việc gì họ cũng sang Thái. Từ đi tập huấn đá bóng cho tới chữa trị chấn thương. Nhưng chi phí điều trị ở đó đắt đỏ quá và đôi khi cũng không hiệu quả. Do vậy, gần đây cầu thủ Campuchia đã chuyển hướng sang Việt Nam.

Ở TP.HCM có nhiều bác sỹ giỏi chuyên về chấn thương thể thao. Khi có ai gặp vấn đề, họ sẽ liên lạc với tôi để nhờ dẫn đi. Chuyện này thật ra cũng rất tình cờ. Nó bắt nguồn từ một thủ môn người Takeo từng chơi cho Boeung Ket. Anh này bị chấn thương đầu gối, được tôi giới thiệu cho bác sỹ Phạm Quốc Hùng, bệnh viện Vạn Hạnh. Sau đó bạn được chữa trị thành công. 

Khi về lại Campuchia, bạn kết nối để Giám đốc điều hành của câu lạc bộ và bác sỹ Hùng biết nhau. Và từ đó, bác sỹ Hùng trở thành đối tác về y tế cho Boeung Ket. Cứ có chấn thương hoặc cần thăm khám, kiểm tra là họ đẩy sang Việt Nam.

Đó, tiếng lành đồn xa, một người biết thì nhiều người hay, cứ mỗi lần chấn thương hoặc muốn đi kiểm tra, họ lại nhờ tôi “mai mối”. Chữa ở Việt Nam rất rẻ. Một ca chỉ tầm 50-60 triệu là đầy đủ hết dịch vụ. Còn ở Thái Lan có khi lên tới 200-300 triệu, mà chỉ là chi phí khám chữa, chưa tính tiền di chuyển, ăn ở. 

Đặc biệt, nhiều khi mổ xong còn… không thi đấu được. Bác Hùng bên mình làm rất kỹ. Mổ xong phải tập theo giáo án hồi phục rất gắt gao để đảm bảo hiệu quả. Mấy lần làm “hướng dẫn viên” kiểu này, tôi cũng có thêm đồng ra đồng vào. 

Chuyến thi đấu nhớ đời với Cung Đình Tháp

Từ khi nào anh quyết định dừng đá bóng ở Campuchia để trở về Việt Nam và sau đó là hành trình ngắn với Cung Đình Tháp?

Cuối năm 2021, lo sợ dịch COVID bùng phát trở lại, vợ khuyên tôi nghỉ đá bóng về quê sống với gia đình. Tôi thấy vợ nói đúng nên xin lãnh đạo Tiffy Army cho thanh lý sớm 1 năm. Các anh cũng thông cảm cho hoàn cảnh của mình nên giải quyết nhanh. 

Tôi về Hồng Ngự nghỉ ngơi được một thời gian thì nhận được đề nghị tái xuất với Cung Đình Tháp ở giải hạng Ba 2022. Đội này lập ra để làm sân chơi cho cầu thủ trẻ Đồng Tháp. Quân số kết hợp với một số em từ Thanh Hóa và PVF đổ vào. 

Trên lý thuyết, Cung Đình Tháp được bảo trợ bởi một doanh nghiệp địa phương. Tôi theo đội trong vai trò trợ lý cho huấn luyện viên trưởng Lê Ngọc Hưng. Đồng thời tham gia thi đấu để dẫn dắt các cầu thủ trẻ. Mục tiêu ban đầu là giành quyền lên chơi ở giải hạng Nhì. Tuy nhiên khi vào giải thì có sự cố.

Chuyện gì đã xảy ra sau đó?

Không rõ là giữa doanh nghiệp bảo trợ với phía Sở Thể dục Thể thao tỉnh Đồng Tháp có khúc mắc gì, trong 3-4 tháng duy trì đội, câu lạc bộ không chi đồng nào tiền lương cho anh em. Lúc chúng tôi phản ứng dữ quá thì lãnh đạo có trả cho 2 triệu tiền giày. Nhưng chỉ có 5-6 cầu thủ đàn anh được nhận.

Ngày lên Thành phố Hồ Chí Minh đá giải hạng Ba, đội thuê khách sạn ở gần trung tâm bóng đá Thành Long. Chủ khách sạn biết chúng tôi chưa có tiền đã đuổi tất cả ra ngoài chỉ sau mấy ngày lưu trú. 

Thành phố đợt đó mưa to, đường thì ngập, tôi với mấy anh lớn thuê xe ba gác chở người, hành lý từ bên Thành Long về Quận 8 thuê khách sạn giá rẻ ở tạm. Chi phí này anh em chúng tôi tự ứng ra. Quá trời gian truân! Ở nhà đang yên đang lành không muốn, tự nhiên đi đá bóng chi cho khổ.

Không trả lương, vậy còn ăn uống và lưu trú Cung Đình Tháp có thanh toán không?

Chúng tôi ra quán ăn ghi nợ. Sau công ty có trả cho chủ quán không thì mình không rõ. Đợt ở gần Thành Long, huấn luyện viên trưởng Lê Ngọc Hưng phải ứng 20 triệu đồng mua đồ ăn cho cầu thủ. 

Còn về lưu trú thì đội bóng hứa với khách sạn sẽ chi trả. Nói không ai tin, đá xong giải hạng Ba, chủ khách sạn phải giữ 2 thành viên trong đội ở lại… làm tin. Khi nào công ty quản lý thanh toán đủ chi phí thì họ mới nhả người! 

Tôi thương mấy đứa từ PVF và Thanh Hóa vào chơi. Đi xa để học hỏi, cọ xát. Nhưng vào đây khổ quá. Quyền lợi không có đã đành. Còn phải xin tiền cha mẹ để tiêu xài.

Không được trả lương 3-4 tháng, vì sao anh và các thầy vẫn quyết tâm bám trụ?

Thú thật, sau khi lên Thành phố Hồ Chí Minh và biết chuyện chẳng lành, tôi với mấy anh em trong ban huấn luyện đã tính tới việc bỏ về. Nhưng sắp nhỏ 17-18 tuổi nói như năn nỉ. 

Mấy đứa bảo “chú mà nghỉ thì tụi con cũng phải nghỉ theo, theo luật cầu thủ tự ý bỏ giải sẽ bị cấm thi đấu 2 năm, lỡ chơi rồi thì mình chơi tới luôn đi chú”. Thương mấy đứa, chúng tôi chấp nhận bỏ tiền túi tự duy trì. Anh em đứa nào ít thì 10-15, đứa nào nhiều thì 20-30 triệu.

Tôi đi đá bóng nhiều năm, ít nhiều gì mình cũng có tích lũy. Tổn thất mấy chục triệu thì mình cân đối, sắp xếp lại các khoản chi trong năm. Tiết kiệm một chút cũng giải quyết được. 

Nhưng mấy anh em khác thì nhiều người khó lắm. Thương nhất là bạn tôi Nguyễn Văn Quí. Trước nó đá cho Kiên Giang, sau nghỉ về làm bảo vệ ngân hàng. Nhà nó hoàn cảnh rất tội. 

Trước đợt lên Thành phố, vợ bị bệnh, Quí phải vay mượn 20 triệu để chữa trị. Tôi gọi nó lên Cung Đình Tháp tiếp mình một tay, nghĩ là đi mấy tháng thì cũng có lương thưởng này kia, khi về sẽ có tiền trang trải cho gia đình. Nào ngờ khi theo đội thì chẳng những không có tiền mà còn ôm thêm cục nợ. 

Đá Cung Đình Tháp xong, tôi nản quá, giải nghệ luôn. Đội nào kêu tôi cũng không dám nhận. Tôi nói “thôi giờ đá chơi chơi thì đi, chứ đá giải thì sợ lắm rồi”. 

Thời điểm giải nghệ, thể trạng anh vẫn ổn chứ?

Thời điểm về Cung Đình Tháp, thể lực tôi vẫn còn tốt. Đội đá 7 trận thì tôi đá chính hết 6, trận cuối cho trẻ đá, nhưng tôi cũng vào thay từ phút 30 vì em nó bị chuột rút. Mấy đứa nhỏ 17-18 tuổi nhìn tôi chạy còn phải nể. Tôi nghĩ do mình sinh hoạt, tập luyện nghiêm túc từ nhỏ nên có thể kéo dài được sự nghiệp.

Giờ nhớ lại tôi vẫn tiếc. Cung Đình Tháp đợt đó đá hạng Ba khá tốt. Chúng tôi xếp thứ 4 ở bảng B với 12 điểm, thua đội đầu bảng Nutifood JMG 5 điểm. Nếu được đầu tư, bung sức ra đá thì chúng tôi vẫn có thể cạnh tranh suất đi vòng chung kết. 

Nhưng ở vào hoàn cảnh đó, kể cả có giành vé đi tiếp, chúng tôi cũng không biết lấy tiền ở đâu để đưa mấy chục con người ra Nha Trang. Thôi thì mình lùi lại, để các đội có thực lực họ đi.

Ước mơ được đi học, có bằng để làm đào tạo trẻ

Gần đây, anh xuất hiện trên truyền hình Đồng Tháp với hình ảnh của một huấn luyện viên bóng đá cộng đồng. Vì sao anh chọn công việc này?

Ý tưởng mở lớp dạy bóng đá cộng đồng đã xuất hiện trong tôi từ khá lâu. Tôi muốn vực dậy phong trào bóng đá ở địa phương và góp phần mang đến sân chơi lành mạnh cho các bạn nhỏ. 

Hồng Ngự trước đây được cho cái nôi của bóng đá Đồng Tháp. Đội bóng 25 người thì quân Hồng Ngự phải góp mặt tới 10. Kể cả ở đội Một lẫn đội trẻ. Danh thủ để kể ra thì không xuể.

Nổi nhất là Trần Công Minh, Ngô Công Nhậm, Nguyễn Quí Sửu, Lương Văn Được Em… Tuy nhiên đến hiện tại, đội hình Đồng Tháp không còn cái tên nào đến từ nơi đây. Tôi muốn góp phần xây dựng lại phong trào bóng đá cho địa phương.

Thêm vào đó là mình xây dựng nơi tập luyện thể thao hữu ích cho bọn trẻ. Vừa nâng cao sức khỏe vừa đẩy lùi tệ nạn và thói quen xấu. Con tôi hiện giờ học lớp 2, nếu không có thú vui gì nó lại dán mắt vào màn hiện điện thoại. 

Đây là thực tế ở hầu hết gia đình chứ không riêng nhà tôi. Một số phụ huynh ở trường con tôi đang học cũng đồng tình quan điểm này. Họ khuyến khích tôi mở lớp bóng đá. 

Từ các động lực trên, mình bắt đầu đẩy mạnh ý tưởng thành hành động. Đến đầu tháng 6 vừa qua, lớp bóng đá chính thức ra mắt. Tôi bỏ vốn 20-30 triệu để mua dụng cụ tập luyện. 

Giáo án thì mình tự tìm hiểu trên mạng, rồi dựa vào kinh nghiệm ăn tập 20 năm qua để tìm ra các bài tập phù hợp cho từng độ tuổi. Tôi mời bạn bè từng đá bóng về làm trợ giảng.

Hồi 13-14 tuổi, khi còn tập luyện ở Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia II, thầy Ngô Lê Bằng khi sinh hoạt Thứ 2 đầu tuần vẫn thường nói: “Ở đây các thầy dạy tụi con không chỉ kỹ năng bóng đá mà còn là đạo đức, tác phong làm người. 

Mai này, đứa nào có duyên thì theo nghề, sống với nghề. Còn không thì mình cũng trở thành người tốt, sống có ích cho gia đình, xã hội”. Tôi nhớ hoài những lời dặn dò đó. Và bây giờ, tôi muốn truyền đạt nó cho các bạn nhỏ. 

Lớp bóng đá hiện tại của anh có quy mô ra sao?

Hiện tại, chúng tôi đang làm 2 lớp, gồm khối tiểu học và trung học cơ sở. Mỗi lớp có khoảng trên 30-40 học viên, tập luyện 3 buổi/tuần. Lớp tiểu học chạy đầu tiên. Đây là lớp “mở hàng” nên tôi làm rất kỹ. Phụ huynh ban đầu họ còn hoài nghi. Đến khi trực tiếp đến xem, theo dõi thì họ mới tin tưởng. Nhờ vậy, chỉ sau 2 tháng, tôi đã có số học viên khá tốt. 

Dấn thân vào công việc mới, anh có gặp khó khăn nào không?

Thời gian qua, tại Hồng Ngự, không có nhiều người dạy bóng đá có chuyên môn, uy tín. Phụ huynh than phiền gửi con em đến học nhưng không tiến bộ mấy. Các em chơi tự phát với nhau rồi ra về. Tôi muốn làm bài bản, căn cơ hơn. Dạy từ các bước cơ bản, hoàn thiện kỹ thuật, rồi mới tới phát triển nâng cao. 

Tuy nhiên, hiện tại tôi không có bằng huấn luyện viên. Nên thỉnh thoảng cũng bị người này người kia nói ra nói vào. Việc xin phép vào dạy bóng đá ở sân vận động cũng chưa diễn ra được.

Sân vận động Hồng Ngự thuộc quản lý của Trung tâm Văn hóa Thể thao & Truyền thanh. Nếu muốn nhận sân, tôi phải có bằng cấp huấn luyện. Vì chưa có, tôi phải ra ngoài thuê sân cỏ nhân tạo. Quy mô theo đó cũng không thể lớn mạnh.

Ở Campuchia, như đã chia sẻ, Liên đoàn rất khuyến khích cá nhân đi học lấy bằng huấn luyện. Đi học không mất tiền còn được hỗ trợ. Ở Việt Nam thì khác. Đi học đóng học phí 20 triệu thì tôi không bàn. Nhưng việc xin suất đi học lại cực khó.

Tôi nhờ anh em bạn bè ở các địa phương xin giúp mà vẫn không được. Các tỉnh thành họ phải ưu tiên cho cá nhân ở địa phương. Khi nào có dư thì mới đến lượt người tự do như mình. Đây là nỗi trăn trở lớn nhất của tôi các năm qua.

Và đây là câu hỏi cuối. Nhìn lại hành trì hơn 20 năm đi đá bóng, anh có suy nghĩ hay tiếc nuối điều gì?

Tôi chỉ muốn cảm ơn nghề nghiệp này. Bóng đá không chỉ là đam mê mà còn là công việc để tôi kiếm sống. Tôi chăm sóc được cho bản thân, gia đình rồi có tiền để cất nhà. Giã từ sân cỏ, mình cũng làm việc liên quan tới bóng đá. Đó là bán giày và đào tạo trẻ. Đúng người đúng nghề quá rồi còn gì. 

Cũng nhân đây, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới những người đã giúp đỡ mình trong 20 năm qua. Đầu tiên là Nguyễn Vĩnh Nghi, cựu cầu thủ Đồng Tháp, anh là người giới thiệu tôi về thi đấu cho Tây Ninh. Tiếp đến là cựu huấn luyện viên Tây Ninh thập niên 2010 ông Mang Văn Xích, người đã mang tôi quay lại với bóng đá năm 25 tuổi. Và cuối cùng là huấn luyện viên Lưu Quốc Tân, từng dẫn dắt tôi ở Vĩnh Long. Thầy Tân dạy dỗ, chỉ bảo và dành cho tôi nhiều lời khuyên bổ ích.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Thông tin cầu thủ Lâm Huệ Dũng

Họ tên

Lâm Huệ Dũng

Năm sinh

1988

Nơi sinh

Prey Veng, Campuchia

Chiều cao

1m75

Đào tạo

Đồng Tháp

Vị trí thi đấu

Trung vệ/Tiền vệ trung tâm

Câu lạc bộ

Lâm Đồng, Cà Mau, Vĩnh Long, Tây Ninh (2012/16), Đồng Tháp (2017), Kirivong Sok Sen Chey (2017/19), Tiffy Army (2020/21), Cung Đình Tháp (2022)

XEM THÊM: Phạm Văn Luân và câu chuyện ít biết về mua người có một không hai của bóng đá Việt Nam