Bóng đá Việt Nam: Từ giải phủi nhìn sang futsal và chuyên nghiệp

06-27-2023
4 phút đọc
HPL

Bóng đá đã trở thành một văn hoá ăn sâu vào tiềm thức người dân Việt Nam, từ Tiger Cup 90 đến AFF Cup 2008 và đỉnh cao là U23 ở Thường Châu tuyết trắng. Chính những sự kiện không thể nào quên đó đã tiếp lửa cho những giải đấu phong trào liên tục mọc lên trong nhiều năm trở lại đây.

Ngược dòng thời gian về năm 2013, khi bóng đá chuyên nghiệp nước nhà gần như chạm đáy: Những đội bóng liên tiếp giải thể, thành tích đội tuyển không tốt,… và người hâm mộ mất niềm tin vào sân chơi chuyên nghiệp. Từ đó, họ đặt niềm tin vào những thứ gần gũi hơn. Giải đấu “phủi” với quy mô lớn đầu tiên ra đời mang tên HPL-S1 viết tắt cho Hà Nội Premier League-Season 1.

HPL-S1 khi đó gây được tiếng vang lớn với sự góp mặt của những ngôi sao một thời như Đặng Phương Nam, Hải Long và cả Phạm Thành Lương.

Từ cách tổ chức, kêu gọi tài trợ, chạy truyền thông, cũng được cho là ăn đứt V-League hay giải VĐQG Futsal. Điều này cho thấy sự chỉnh chu và tâm huyết của những người đứng đầu giải đấu “phủi” này.

Sau 10 năm hình thành và phát triển, HPL của miền Bắc hay SPL của miền Nam đã có những bước tiến vô cùng vững chắc và ngày càng được đón nhận bởi người yêu trái bóng tròn. Nhưng đi ngược với sự phát triển vượt bậc của sân 7, Futsal nước nhà gần như vẫn đang dậm chân tại chỗ dù đã hai lần vượt qua vòng bảng World Cup.

Với tài chính vững mạnh cùng sự tâm huyết của những ông bầu, nhiều đội phủi sẵn sàng đầu tư để mang về những cầu thủ chuyên nghiệp mà tiêu biểu là Mobi FC chiêu mộ Omar - ngôi sao một thời của câu lạc bộ Hà Nội. Đáng buồn hơn, nhiều cầu thủ Futsal sẵn sàng bỏ giải để đi đá phủi như Nguyễn Thanh Tuấn, Hà Văn Sơn, Nguyễn Văn Chiêu Hoàng, Hà Đức Ngọc. Bởi lẽ, đá một trận phủi có thể bằng họ chơi Futsal trong một tháng, và nhiều đặc điểm của hai bộ môn này cũng có tương đồng nhau.

Dạo quanh một vòng các đội phủi hiện nay, không khó để bắt gặp những nhà tài trợ lớn như Grand Sport, VNPay, Bia Sài Gòn,… bởi lượng người hâm mộ ở các giải phủi là vô cùng lớn. Nhờ đó, hình ảnh thương hiệu cũng đi xa hơn với đại chúng.

Thai Son Nam FC

Ngược lại, Futsal Việt hầu như chỉ có 1-2 nhà tài trợ cho giải VĐQG và các đội bóng phải sống bằng tiền túi của các ông bầu. Hệ quả là các cầu thủ Futsal chuyên nghiệp luôn phải tìm thêm một nghề tay trái mới đủ mưu sinh.

Nhìn từ sân phủi, có thể thấy Futsal còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, nhằm thu hút nhiều khán giả hơn. Hy vọng việc đưa về những ngoại binh và đẩy mạnh truyền thông sẽ giúp Futsal sớm trở thành món ăn quen thuộc của khán giả Việt Nam.

XEM THÊM: Futsal Việt Nam và sự trở lại của ngoại binh sau 8 năm vắng bóng